Giáo dục - Nghề nghiệp
Giáo dục thể chất: Học đối phó để cho có?
11:38 AM 18/10/2017
Cơ sở vật chất còn nghèo nàn thậm chí nhiều trường sân chơi không có, những môn tập luyện còn đơn điệu khiến học sinh không hào hứng với môn này, thậm chí coi là môn phụ. Vấn đề đặt ra là bao giờ giáo dục thể chất được coi là bình đẳng với các môn văn hóa và có chất lượng để thu hút học sinh?
Đơn điệu, nghèo nàn?
Thừa nhận tầm quan trọng của môn giáo dục thể chất và đưa môn thể dục vào trường học ngay từ mẫu giáo, thế nhưng, thực chất thì các giờ tập thể dục trong trường học hiện nay chỉ mang tính hình thức và chưa cuốn hút được học sinh.
Trao đổi với một số giáo viên của các trường của Hà Nội, họ thừa nhận thực tế là đa số học sinh không thích môn thể dục vì nó quá đơn điệu.
Theo cô Đỗ Thị Dung- giáo viên dạy môn Hóa của trường THCS của huyện Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, môn giáo dục thể chất là vô cùng quan trọng. Giáo dục thể chất nằm trong môi trường giáo dục toàn diện, nghĩa là giáo dục thể chất và giáo dục các môn văn hóa khác phải đồng đều. 
Tuy nhiên, cô Dung cũng cho rằng, hiện nay các tiết thể dục trong hầu hết các nhà trường vẫn giữ nguyên hình thức tập luyện như cách đây mấy chục năm, chưa cập nhật được các cách tập luyện mới. 
Khuôn viên nhiều trường hẹp, học sinh khó có nơi vận động tăng cường thể chất?
“Từ thời chúng tôi đi học 30 năm trước vẫn là những môn chạy ngắn, chạy dài, ném bóng, nhảy xa thì nay học sinh vẫn học lại y như vậy. Học sinh đến khởi động rồi ngồi chơi chứ chẳng vận động thể lực gì cả, rất phí phạm những tiết như thế này”- cô Dung nói.
Cô Dung cũng mong muốn, nếu các giáo viên (hoặc nhà trường) cập nhật các bộ môn thể dục mà hầu hết các học sinh đều có thể tham gia một cách hào hứng như Airobic hoặc cách điệu nhảy sôi động thì có thể thu hút học sinh tham gia các tiết học này.
Tuy nhiên, cũng theo cô Dung, điều này sẽ rất khó vì sân chơi của học sinh không khó thì lấy đâu không gian học những môn này. Mặt khác, giáo viên dạy nếu trẻ còn cập nhật được để dạy chứ các thầy cô có tuổi thì thay đổi môn này là điều cực khó.
Cô Lê Hoàng, giáo viên dạy môn giáo dục thể chất của một trường cấp 3 ở Hà Nội cho biết hiện nay, môi trường giáo dục toàn diện, đặc biệt là vấn đề giáo dục thể chất ở hầu hết các trường, vẫn bị coi nhẹ, mang tính hình thức. 
Cô Hoàng cũng cho biết, là trường ngoại thành Hà Nội nên “tấc đất không là tấc vàng” như trong nội thành nhưng cơ sở vật chất cho các môn học này cũng chưa đủ điều kiện. Vì quỹ đất không đủ, học sinh phải môn này ở phía sau nhà cấp 4 của trường.
“Bao nhiêu năm rồi học sinh cứ phải học đi học lại các môn như  bóng chuyền , đẩy tạ , cầu lông  nhảy xa, nhảy cao, chạy, đá cầu. Nhưng đại bộ phận cũng không có hứng thú với tiết thể dục bởi các tiết học này nhàm chán hoặc học sinh phải học những môn thể dục các em không thích hoặc không có khả năng luyện tập. “- cô Hoàng cho biết.
Sân tập đúng nghĩa: Mơ về nơi xa lắm?
Thực tế cho thấy, ở Hà Nội không ít những trường còn thiếu phòng học chứ chưa nói gì đến sân chơi hay sân phục vụ các môn giáo dục thể chất.
Ngoài cơ sở vật chất thì giáo dục thể chất cũng đòi hỏi giáo viên phải có chuyên môn sâu. Tuy nhiên, nhiều trường ở Hà Nội một giáo viên cùng lúc dạy cả hai khối với các môn thể dục khác nhau.
“Một giáo viên không thể dạy hết được các môn thể dục, do đó với mỗi môn thể dục cần một giáo viên có chuyên môn sâu đảm nhiệm mới đạt được yêu cầu và tạo ra sự hứng khởi cho học sinh. Ngoài ra, chương trình cũ, nhàm chán, cộng với thiếu đủ thứ nên môn phụ chỉ mãi là môn phụ nếu không có sự thay đổi”- một giáo viên dạy thể dục cho biết.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đội ngũ giáo viên trong các nhà trường còn thiếu và yếu, đặc biệt ở cấp tiểu học. Theo một số thống kê thì chỉ có khoảng hơn 10% trường cấp tiểu học có giáo viên chuyên trách môn thể dục.
Sẽ điều chỉnh môn giáo dục thể chất trong SGK phổ thông mới?
Tại buổi làm việc với lãnh đạo hai bộ GD&ĐT và Văn hóa - Thể thao & du lịch hồi đầu năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có những chỉ đạo cụ thể trong việc tăng cường giáo dục thể chất trong nhà trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý với Bộ GD&ĐT trong việc đưa tinh thần đổi mới, điều chỉnh môn giáo dục thể chất vào chương trình - SGK mới được Bộ  GD&ĐT xây dựng.
Theo đó, chương trình giáo dục thể chất sẽ xây dựng theo hướng mở, cho phép các liên đoàn thể thao tham gia, góp ý từ khâu xây dựng chương trình đến việc đào tạo giáo viên và triển khai đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá trong các nhà trường phổ thông.
GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết ban soạn thảo đã tính toán để nâng số tiết thể dục trong trường học lên 2 tiết/tuần, áp dụng cả với học sinh lớp 1.
Còn ở các bậc học trên, môn giáo dục thể chất sẽ theo hướng tự chọn, cho phép các nhà trường tổ chức theo hình thức câu lạc bộ với các môn thể dục, thể thao đa dạng, phù hợp với sở thích của người học và điều kiện của các nhà trường.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh (Bộ GD&ĐT) cho biết, điều kiện cơ sở vật chất cho việc tăng cường giáo dục thể chất còn khó khăn, tỉ lệ trường học có nhà giáo dục thể chất, có sân bóng đá, sân chơi, bể bơi rất ít. 
Ngoài ra, theo ông Duy Anh, số lượng và chất lượng giáo viên dạy giáo dục thể chất cũng là vấn đề cần tính toán.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT tính toán theo hướng sử dụng chung cơ sở vật chất và giáo viên trong các cụm trường, linh hoạt tận dụng các điều kiện sẵn có, tận dụng sự hỗ trợ, phối hợp từ các liên đoàn thể thao để khắc phục các khó khăn.
“Có thể thí điểm trong việc thực hiện giáo dục thể chất theo hướng mở, tăng tính tự chọn cho người học, đổi mới cách dạy học, đánh giá nhằm biến môn thể dục, thể thao nhà trường thành môn học yêu thích, chứ không phải môn học đối phó với nhiều học sinh như bây giờ”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo tienphong.vn
Từ khóa: