Xã hội
Hà Nội triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2020
03:09 PM 10/01/2020
(LĐXH) - Sáng 10/1/2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục Bảo trợ Xã hội, Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội, Cục An toàn lao động, Tạp chí Lao động và Xã hội, Báo Lao động và Xã hội… cùng toàn thể các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố…
Đồng chí Ngô Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Ghi nhận và chúc mừng kết quả mà tập thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã đạt được trong năm 2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Toàn thành phố nói chung và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nói riêng đã triển khai nhiệm vụ trong một tâm thế khẩn trương và tích cực nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại Nghị quyết 05/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố giai đoạn 2016-2020. Với sự tận tụy, trách nhiệm và cố gắng không ngừng, toàn ngành đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Phó Giám đốc Phụ trách Hoàng Thành Thái phát động phong trào thi đua năm 2020
Trình bày tóm tắt kết quả trong năm qua, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, tính đến cuối năm 2019, thành phố Hà Nội có 370 đơn vị trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 123 cơ sở công lập, 247 cơ sở ngoài công lập. Trong năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo cho 205.000/205.000 người, đạt 100% kế hoạch Trong đó, trình độ cao đẳng là 28.700 người; trung cấp là 38.900 người; sơ cấp, dưới 03 tháng là 137.400 người với gần 15.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cuối năm 2019 đạt 67,51% (trong đó, khu vực thành thị đạt 79,6; khu vực nông thôn đạt 54,77%). Giải quyết việc làm cho 192.000/154.000 lao động, đạt 124,6% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp chung của thành phố giảm còn 1,7% (trong đó, khu vực thành thị là 2,22%, khu vực nông thôn là 1,16%), tăng 0,96% so với năm 2018 (trong đó, có 28.300 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho 31.000 hộ vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với số tiền khoảng 1.188 tỷ đồng; 21.100 lao động được tuyển dụng qua các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức; đưa 3.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng).
Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn Xã hội Nguyễn Xuân Lập phát biểu tại Hội nghị
Việc thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa" luôn được các cấp, các ngành chú trọng, quan tâm. Năm 2019, số xã, phường, thị trấn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa của thành phố là 584/584, đạt 100% so với kế hoạch. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 32.672 triệu đồng, đạt 147,7%. Tặng 4.169/2.645 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa" với kinh phí 5.227 triệu đồng, đạt 157,6% kế hoạch. Các quận, huyện, thị xã đã thực hiện tu sửa, nâng cấp 96/65 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 60.713 triệu đồng, đạt 147,7% kế hoạch. Ngoài ra, thành phố đã trích 05 tỷ đồng, từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố để tu bổ, nâng cấp 5 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn các huyện: Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên và Chương Mỹ. Trích ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa cho việc tu sửa, nâng cấp 378/262 nhà ở cho người có công với cách mạng với kinh phí 16.192 triệu đồng, đạt 144,3% kế hoạch, trong đó, xây mới 211  nhà và sửa chữa 167 nhà.
Bà Trần Thị Hoài Hương  báo cáo kết quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận Long Biên
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2020 và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020, ngành LĐ - TBXH thành phố cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với UBND thành phố ban hành kịp thời các chính sách, văn bản để thực hiện tốt quản lý nhà nước về công tác lao động, người có công và xã hội. Tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan Trung ương, ban, ngành thành phố trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa; huy động nguồn lực của toàn xã hội cho công tác giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp và chăm lo đời sống người có công, các đối tượng yếu thế và chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Tăng cường giải quyết việc làm. Thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm. Chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế như lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn ... Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Chủ động xây dựng và trình thành phố phê duyệt Đề án tổ chức và hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội sau khi Đề án “Tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động Sàn giao dịch việc làm Thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng đến năm 2020” được ban hành theo Quyết định số 4883/QĐ-UBND kết thúc.
Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương. Chủ động theo dõi, nắm bắt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công. tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, đẩy mạnh thu hồi nợ đọng BHXH. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động; nâng cao hiệu quả công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. Tiếp tục triển khai phương thức đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2021 theo Kế hoạch của UBND Thành phố. Tập trung nguồn lực đầu tư cho các trường của Thành phố được lựa chọn là trường chất lượng cao, cho các nghề trọng điểm, nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công với cách mạng; phấn đấu 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Tiếp tục giải quyết các trường hợp tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2020 sắp tới, cần tập trung thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà người có công và đối tượng chính sách xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh thực hiện chính sách, chương trình, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều; thực hiện chính sách giảm nghèo mới để tiến tới giảm nghèo bền vững và nhân rộng những mô hình giảm nghèo của người dân, phấn đấu đến hết năm 2020, toàn Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Xây dựng mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trợ giúp xã hội và chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên nhiên, thời tiết, dịch bệnh, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời để ổn định cuộc sống.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; can thiệp, trợ giúp kịp thời trẻ em có nguy cơ cao, trẻ em bị xâm hại. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức góp phần chuyển đổi hành vi của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ khu vực nông thôn về bình đẳng giới, đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình; phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực xâm hại phụ nữ.
Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai và phòng chống tệ nạn mại dâm, phòng chống mua bán người, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ổn định cuộc sống. Nhân rộng Mô hình Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện; Mô hình Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy ra nhiều quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Thành phố; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện và đánh giá kết quả các mô hình. Tăng cường quản lý, tư vấn, trợ giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện. Phát triển mạng lưới các cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone. Tăng cường khảo sát, nắm bắt tình hình mại dâm trên địa bàn Thành phố; ngăn ngừa và xử lý kịp thời không để tình trạng mại dâm hoạt động trở lại tại các ổ nhóm sau khi đã triệt phá, gây bức xúc xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Một số hình ảnh trao bằng khen và cờ thi đua cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực của ngành:

Thục Quyên

 

 

Từ khóa: