Lao động
Hà Tĩnh nỗ lực hạn chế nguy cơ tai nạn lao động...
03:03 PM 26/05/2022
Chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác, tai nạn lao động có thể xảy ra. Kiểm soát các yếu tố rủi ro, nguy cơ mất an toàn lao động, đẩy lùi tai nạn lao động luôn là mục tiêu mà các cấp, ngành, doanh nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực hướng tới.
Trong năm 2021, Hà Tĩnh xẩy ra 12 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết và bị thương 14 người. Nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng đã để lại những đau thương, mất mát, những thiệt hại khôn lường cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Trong đó, ngày 26/8, tại Công ty TNHH Bum Han (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng) đã xẩy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 3 công nhân tử vong. Nguyên nhân tử vong được xác định do ngừng tuần hoàn vì ngạt khí CO2 khi đang thi công công trình. Tiếp đó, ngày 14/9, xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại nhà máy cán tôn của Công ty TNHH Thông Dương (xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn). Ông L.T.P. - Giám đốc Công ty TNHH Thông Dương đã bị máy cán tôn cuốn vào và tử vong ngay sau đó.
Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh
Đó là 2 trong số rất nhiều vụ việc đau lòng đã xẩy ra trong quá trình lao động sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Nguyên nhân các vụ TNLĐ được xác định là do sự bất cẩn, chủ quan, lơ là với công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của một số doanh nghiệp và người lao động.
Nhiều doanh nghiệp chưa bố trí kinh phí cho các hoạt động về công tác ATVSLĐ, ảnh hưởng đến công tác huấn luyện ATVSLĐ, trang bị bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ... Mặt khác, do các doanh nghiệp, hợp tác xã vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh sau tác động của đại dịch COVD-19 nên hầu hết tại các huyện, thành phố, thị xã, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện kịp thời và nghiêm túc. Cùng đó, nhận thức của một bộ phận người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế, chưa đầy đủ hoặc thiếu kiến thức về ATVSLĐ.
Những nguyên nhân trên dẫn đến hậu quả của TNLĐ vô cùng nặng nề. Về phía chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ thiệt hại không nhỏ về chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động. Mặt khác, uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị gián đoạn. Thiệt thòi nhất chính là người lao động. Họ bị ảnh hưởng sức khỏe, nặng hơn là mang thương tật, thậm chí thiệt mạng. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự chủ động của người sử dụng lao động và người lao động để tạo nên những môi trường lao động an toàn, hiệu quả.
Để đẩy lùi nguy cơ gây TNLĐ và hạn chế các hành vi vi phạm ATVSLĐ, thời gian qua, sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ngày 15/2/2022, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Văn bản số 238/SLĐTBXH-LĐVL về hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ. Theo đó, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về ATVSLĐ; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn về ATVSLĐ cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện một số nội dung như: quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường làm việc; tăng cường huấn luyện an toàn lao động.
Công ty cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh ở Cụm công nghiệp Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) là một trong những đơn vị luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Từ nhiều năm qua, công ty đã không để xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng nào.
Ông Nguyễn Giang Nam - Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh cho biết: “Hằng năm, công ty đều dành nguồn kinh phí để tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện nội bộ công tác phòng cháy, chữa cháy cho đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; sắp xếp, bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý, cải tiến quy trình, hướng dẫn công việc, thực hiện sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố mất an toàn”.
Hiện nay, các đơn vị, cá nhân sử dụng lao động đang tích cực triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 gắn với Tháng Công nhân bằng các việc làm thiết thực, hiệu quả như: tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về ATVSLĐ hướng vào chủ đề, nội dung của Tháng hành động ATVSLĐ.
Trong Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022, 13/13 huyện, thành phố, thị xã thành lập 19 đoàn tiến hành kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật ATVSLĐ tại 450 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn, các địa phương tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Lao động, Luật ATVSLĐ; đặc biệt chú trọng kiểm tra việc thực chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATVSLĐ và vi phạm các chính sách, chế độ đối với người lao động./.

PV
Từ khóa: