Hải Phòng: Còn nhiều sai phạm về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng
(LĐXH) - Triển khai Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành xây dựng, năm 2016, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã thành tiến hành thanh tra tại 23 đơn vị đang thi công công trình xây dựng, qua đó phát hiện nhiều vi phạm.
Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP Hải Phòng được thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 11-2016 tại 23 đơn vị có chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn”, với sự phối hợp với Sở Xây dựng, Liên đoàn Lao động thành phố, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng. Qua thanh tra phát hiện 276 vi phạm tại các công ty, liên danh nhà thầu, lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính 5 đơn vị với tổng số tiền 215 triệu đồng.
Các công ty, đơn vị vi phạm nhiều nhất là việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Đơn cử, một số lỗi vi phạm phổ biến: không trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động, tủ thuốc y tế không đủ cơ số thuốc theo quy định (100% vi phạm); người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại chưa được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đúng, đủ theo quy định; 12/23 doanh nghiệp thuộc diện phải có người chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động nhưng chỉ cử người làm kiêm nhiệm; 60% số doanh nghiệp (13/23) tổ chức huấn luyện về an toàn- vệ sinh lao động chưa đúng, đủ số người theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, một số lỗi cũng vi phạm nhiều như 60% doanh nghiệp chưa tổ chức khám sức khỏe cho người lao động; chưa thực hiện kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chưa đặt bảng chỉ dẫn đầy đủ về an toàn- vệ sinh lao động…
Theo đánh giá của đoàn thanh tra liên ngành, nguyên nhân chủ yếu do văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, Luật An toàn, vệ sinh lao động có nhiều quy định mới nhưng chưa được các đơn vị nghiên cứu, áp dụng dẫn đến việc thực hiện không đúng quy định hiện hành. Như việc thực hiện các loại báo cáo định kỳ, hầu hết các doanh nghiệp khi được thanh tra mới biết các quy định về việc báo cáo nhu cầu tuyển dụng và tình hình sử dụng lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động 6 tháng đầu năm và cả năm, báo cáo về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Do đặc thù của ngành xây dựng lực lượng lao động thường không ổn định, thay đổi liên tục theo từng công đoạn thi công, các công trình ở nhiều địa bàn dẫn đến việc doanh nghiệp, nhà thầu thi công tuyển dụng lao động và chấp hành các quy định về ký kết hợp đồng lao động, trả lương làm thêm giờ, thực hiện chế độ nghỉ lễ, tết, khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện vệ sinh an toàn lao động… chưa bảo đảm theo quy định. Phần lớn cán bộ làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên công trường chưa được huấn luyện an toàn- vệ sinh lao động theo đúng nhóm quy định nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên.
Chánh thanh tra Sở Lao động-Thương binh và xã hội Tăng Tiến Sơn nhận định: "Sau thanh tra, nhiều đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm, đã thực hiện 215/275 kiến nghị, đạt 78%, một số kiến nghị cần có thời gian các đơn vị tiếp tục bổ sung, sửa đổi..."./.
Cảnh Minh
Từ khóa:
-
Huyện Đồng Hỷ: Quan tâm giải quyết việc làm bền vững cho người lao động
26-11-2024 14:41 12
-
Thái Nguyên: Phát triển thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm
26-11-2024 14:41 07
-
Huyện Phú Lương: Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo
26-11-2024 14:41 03
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51