Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang phối hợp với các địa phương xây dựng đề án tổng thể hỗ trợ sinh kế cho người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung bị thiệt hại sau sự cố Formosa, trong đó chú trọng vào dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động.
(Ảnh minh họa)
Sau sự cố tại nhà máy của Formosa gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có chuyến khảo sát, làm việc với các địa phương bị thiệt hại để tìm giải pháp tổng thể hỗ trợ người dân. Các cuộc làm việc đã xác định rõ, điều quan trọng nhất là vấn đề sinh kế của người dân và cần có đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động.
Trả lời báo chí về các giải pháp cụ thể hỗ trợ cho người dân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay có một số chương trình xuất khẩu lao động với chi phí thấp, phù hợp với ngư dân miền Trung do Bộ LĐTB&XH trực tiếp triển khai.
Cụ thể, chương trình đi Hàn Quốc vừa được ký kết lại với chỉ tiêu năm nay là 3.500 và sẽ dành ưu tiên cho các huyện ven biển bị ảnh hưởng. Một số địa phương hiện đang có lao động cư trú bất hợp pháp tạm thời sẽ được dỡ bỏ cơ chế hạn chế và được tham gia chương trình này. Chương trình đi Nhật Bản cũng có chi phí thấp do tất cả chi phí học được phía Nhật Bản tài trợ. Mức lương làm việc tại Nhật vào khoảng 800-1.000 USD/tháng. Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH còn triển khai hai chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật và đi Đức, cũng được miễn phí đào tạo. Người dân 4 tỉnh miền Trung đáp ứng được điều kiện, mong muốn tham gia sẽ được Bộ hỗ trợ.
Ngoài ra, Bộ sẽ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước mời các doanh nghiệp có uy tín, triển khai tốt để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời yêu cầu các trưởng ban lao động Việt Nam tại một số thị trường đàm phán với các đối tác để tăng chỉ tiêu, nhất là đối với các chương trình nuôi trồng thủy sản, khai thác gần bờ có thu nhập tốt, phù hợp với ngư dân Việt Nam.
Hiện tại, ước tính sơ bộ có khoảng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố tại Formosa. Trong đó, 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp.
Tại buổi làm việc giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), có 2 nhóm giải pháp đã được thống nhất để hỗ trợ người dân.
Thứ nhất, đối với số lao động đang đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ thì Bộ NN&PTNT trình Chính phủ về đào tạo nghề, cho vay vốn.
Thứ hai, đối với người dân làm việc trong các lĩnh vực khác, Bộ LĐTB&XH sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ như dạy nghề, tạo cơ hội xuất khẩu lao động, việc làm…
Về mặt chính sách, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính phủ chủ trương cho phép những lao động thuộc hộ nghèo bị ảnh hưởng được áp dụng cơ chế miễn phí đào tạo giáo dục định hướng, đào tạo ngoại ngữ, được hỗ trợ tiền ăn, ở, cấp tiền đi lại trong thời gian học nghề. Đối với những lao động khác không thuộc hộ nghèo thì có thể đề nghị áp dụng như Nghị quyết 61 năm 2015 đối với lao động bị thu hồi đất.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, chủ trương của Bộ LĐTB&XH là người dân sống ở vùng biển phải được tạo sinh kế từ biển, nên sẽ thực hiện các chính sách để người dân làm các ngành nghề liên quan, hạn chế chuyển đổi nghề.
Hướng trước mắt là chuyển sang lao động trong lĩnh vực đánh bắt gần bờ tại các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan có thu nhập khá, chi phí không cao. Đối với các lao động cần chuyển đổi nghề thì sẽ đào tạo chuyển đổi nhưng phải sát với nguyện vọng của người lao động và nhu cầu địa phương.
PV
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48