Hỗ trợ đến 30% mức đóng đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
(LĐXH) - Đó là nội dung của dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội soạn thảo.
Cụ thể, dự thảo quy định 3 chế độ cơ bản mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) tự nguyện được hưởng, tương tự như tham gia BHXH bắt buộc. Dự kiến sau một thời gian thực hiện sẽ tổng kết, đánh giá để mở rộng, bổ sung thêm các chế độ khác cho phù hợp. Các chế độ được quy định gồm có: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Chế độ trợ cấp một lần, hằng tháng, phục vụ; Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình. Dự thảo cũng quy định các trường hợp TNLĐ được hưởng và không được hưởng chế độ bảo hiểm.
Về Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. Dự thảo xây dựng theo nguyên tắc: Quỹ bảo hiểm TNLĐ không phải là Quỹ được tổ chức độc lập, chỉ là Quỹ thuộc Quỹ TNLĐ, BNN trong Quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng được hạch toán độc lập để đánh giá cân đối thu chi, điều chỉnh linh hoạt mức đóng theo yêu cầu thực tiễn, bao gồm các nội dung sau: (1) Nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị TNLĐ, BNN từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; (2) Sử dụng Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; (3) Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.
Phương thức đóng Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. Dự thảo Nghị định quy định 04 phương thức đóng cho người lao động lựa chọn là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở tham khảo quy định chế độ BHXH tự nguyện về hưu trí, tử tuất. Mức đóng được quy định cố định theo mức lương cơ sở với mọi người lao động để bảo đảm linh hoạt tăng, giảm đồng bộ với mức hưởng. Dựa trên tính toán cân đối thu chi, dự kiến mức đóng là 4% mức lương cơ sở. Phương án này có ưu điểm là mức lương cơ sở được Chính phủ công bố có thời điểm áp dụng rõ ràng, tạo thuận tiện trong việc xác định mức đóng cũng như số tiền ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Với mức lương cơ sở năm 2017 là 1.300.000 đồng/tháng thì mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện tương ứng là 52.000 đồng/người/tháng (gần tương đương với mức đóng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc về TNLĐ, BNN- khoảng 46.000 đ/ tháng)
Đặc biệt, người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm TNLĐ hằng tháng, bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với người lao động khác. Theo phương án này, dự kiến trong 05 năm đầu triển khai, hằng năm ngân sách hỗ trợ tiền đóng từ 37 tỷ đồng nếu số người tham gia khoảng 200 ngàn người.
Về tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng Nghị định.
Đến ngày 15/9/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được 59 văn bản góp ý, trong đó có 17 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ 01 cơ quan trung ương của các hội, đoàn thể, 05 doanh nghiệp, 37 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương. Trong đó, đa số các cơ quan đều nhất trí với dự thảo Nghị định. Bộ tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đồng thời có giải trình một số ý kiến còn khác nhau như sau:
1. Về nội dung ghi trong Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội của người lao động (Điều 17)
Ý kiến góp ý: Đề nghị trong hồ sơ không cần ghi cụ thể về công việc, thời gian khi đăng ký tham gia bảo hiểm vì quy định này sẽ chỉ thích hợp với người lao động làm công việc tương đối ổn định (như trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể không sử dụng lao động; hộ gia đình có tham gia sản xuất kinh doanh, người nông dân...), không phù hợp lao động tự do không cố định công việc.
Ý kiến giải trình tiếp thu: Phương án ghi cụ thể công việc, nơi làm việc trong hồ sơ đăng ký sẽ tạo điều kiện dễ dàng xác định tai nạn lao động, tránh chồng lấn sang tai nạn trong sinh hoạt, tăng thêm tính khả thi của Nghị định. Phương án không ghi công việc, thời gian lao động trong hồ sơ đăng ký, tuy dễ dàng cho người lao động tham dự, nhưng rất khó cho công tác điều tra tai nạn lao động và giám sát việc thực hiện, dễ dẫn đến lạm dụng chế độ.
Do đây là Quỹ mới, để bảo đảm tính khả thi, tránh làm dụng Quỹ, dự thảo chọn phương án phải ghi cụ thể công việc, thời gian lao động trong hồ sơ đăng ký. Sau một thời gian triển khai sẽ đánh giá, tổng kết kinh nghiệm để mở rộng các điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, người lao động làm công việc tương đối ổn định (như trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể không sử dụng lao động; hộ gia đình có tham gia sán xuất kinh doanh, người nông dân...) chiếm một lượng lớn trong tổng số lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Bởi vậy, trước mắt nếu được họ tham gia thì sẽ góp phần hiệu quả triển khai chính sách này, từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Về việc ban hành Nghị định
Ý kiến của Bộ Tư pháp và một số cơ quan: để đảm bảo tính khả thi, thì chưa nên trình Chính phủ dự thảo Nghị định này. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với các Bộ và các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định này theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ý kiến giải trình, tiếp thu: Dự thảo Nghị định đã tiếp thu các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, qua đó nâng cao tính khả thi của Nghị định. Vì vậy, có thể xem xét ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động tự nguyện nhằm góp phần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Khi triển khai thực hiện sẽ đánh giá, sửa đổi chính sách cho phù hợp với thực tiễn như: Điều chỉnh mức đóng, tỷ lệ hỗ trợ; quy định liên thông quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với quỹ BHXH bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để bảo đảm cân đối quỹ; bổ sung biên chế thanh tra lao động các địa phương…/.
Nguyễn Hiền
Từ khóa:
-
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
11-01-2025 08:31 28
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18
-
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
10-01-2025 11:07 44
-
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
17-12-2024 16:44 28
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
12-12-2024 15:34 57
-
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
30-12-2024 15:09 04
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46