Gần 2 năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của hầu hết mọi người đều ít nhiều bị xáo trộn, gây ra nhiều tổn thất và hệ lụy cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong lịch sử, chưa bao giờ lại có những thời kỳ mà trẻ em ở nhiều tỉnh/thành phố lại không được tới trường trong một thời gian dài như vậy. Từ lúc chỉ là một giải pháp tạm thời mùa dịch, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ, lúng túng với các thao tác trong ứng dụng học tập trực tuyến, vất vả chuyển từ các bài học từ hình thức giảng trực tiếp trên lớp sang việc giảng online, dần dần, việc dạy và học trực tuyến đã trở thành hoạt động quen thuộc hàng ngày của giáo viên và học sinh.
Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh Trường THCS Thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ về những trải nghiệm và khó khăn khi chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến: “Đối với em, mỗi sự khởi đầu đều ít nhiều có khó khăn, và học online cũng vậy. Em có gặp một số bất tiện giống như nhiều bạn như đường truyền không ổn định, việc giảng dạy, tiếp thu cũng bị hạn chế, không tương tác được nhiều với các bạn, khó tập trung trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến sức khoẻ như mỏi mắt khi phải làm nhìn máy tính trong một thời gian dài. Ngoài ra, em cũng biết có những bạn không có điều kiện để có những thiết bị học trực tuyến.
Là một người bố có 3 cậu con trai đều đang học online mỗi ngày, Nhà báo Trần Quang Minh bày tỏ những lo lắng: “Khi đồng hành cùng con trong việc học online, tôi cũng thấy lo lắng rất nhiều, lo con không nắm được bài, lo rằng cô sẽ không thể hướng dẫn, sát sao với từng bạn nhỏ trong lớp. Đặc biệt, với những bé học lớp 1, điều này lại càng khó khăn. Đối với cậu con trai học lớp 3 của mình, tôi đã thấy được rằng con gặp rất nhiều vấn đề trong việc tiếp thu và hiểu bài. Tôi cũng rất chia sẻ với cái khó của giáo viên để kiểm soát tận 30-40 học sinh trong 1 lớp, và các con cũng rất “khổ" khi phải ngồi mấy tiếng đồng hồ trước máy tính.”
Ở góc độ người giáo viên cũng gặp nhiều thách thức khi chuyển tự dạy trực tiếp sang trực tuyến, cô Nguyễn Thị Chỉnh, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết bên cạnh những trải nghiệm mới, chúng tôi cũng gặp những khó khăn, ví dụ như đường truyền mạng, sự tập trung của các con, đặc biệt là các bạn từ lớp 1 đến lớp 3 chưa quen với các thiết bị công nghệ, các cô không tương tác, tiếp xúc được nhiều với các con, hoặc có nhiều sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc kết nối với phụ huynh cũng rất khó khăn trong khi lúc này rất cần thầy cô và phụ huynh phải phối hợp để hỗ trợ các con. Tôi và các đồng nghiệp đã tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để thích ứng với tình hình mới.”
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nhận định: “Trong quá trình học online, cả phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy áp lực rất nhiều. Bố mẹ lo rằng con không theo được chương trình, giáo viên lo rằng mình phải truyền đạt hết tất cả các kiến thức quan trọng của bài. Học sinh không chỉ căng thẳng về tâm lý mà còn về cả mặt sinh lý. Việc các con ngồi học mấy tiếng đồng hồ trước màn hình có thể gây ra ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với các con. Và lúc này, chính bố mẹ và giáo viên nên có những biện pháp để giải phóng những căng thẳng cho các con. Cách tương tác giữa giáo viên và học có thể giúp để khắc phục vấn đề này. Thực tế, giáo viên không cần đặt áp lực phải nói hết tất cả kiến thức trong lớp học mà có thể hướng dẫn các con tìm kiếm trên Internet.”
Theo em Phạm Duy Anh, học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) việc học online giúp em có thể rèn luyện khả năng tự học, lên kế hoạch cho bản thân. Đồng thời, em thấy học online cũng có một lợi thế, đó là mình có thể học bất cứ nơi nào và lúc nào. Em sẽ biến những mệt mỏi, khó khăn trong quá trình học online thành động lực.
Việc tự đặt mục tiêu cho bản thân là rất quan trọng khi học trực tuyến, đấy là nhìn nhận của bản thân em Phương Thảo: “Đối với em, em đề cao sự chủ động và ý thức của học sinh. Ở trường em, thầy cô sẽ phát cho học sinh lịch hôm nay mình sẽ học những bài nào và em sẽ dựa trên chương trình đó để tự soạn ra những nội dung em sẽ học, từ đó em có thể xâu chuỗi kiến thức của nhiều bài học liên tiếp. Bên cạnh đó, các môn học sẽ có các nhóm chat và thầy cô sẽ gửi các bài tập cũng như bài giảng lên đó để chúng em có thể xem lại bài giảng của thầy ở lớp.”
Cô Nguyễn Thị Chỉnh chia sẻ phương pháp dạy bản thân đang áp dụng: “Bước đầu tiên tôi thường làm là thiết lập nội quy. Nội quy này được thiết lập, thoả thuận giữa học sinh và giáo viên để đem lại tác động tích cực trong việc học. Nội quy được xây dựng dưới dạng hình ảnh và thực hiện liên tục để các con quen với việc thực hiện nội quy này. Bên cạnh đó, trong quá trình soạn giáo án, cần cân nhắc những nội dung nào đã học, những nội dung nào quan trọng và chú ý vào việc hướng dẫn cho các con đặt câu hỏi cũng như tư duy phản biện. Hiện nay, trong bối cảnh học online, giáo viên cần phải chọn công cụ phù hợp với các con để các con tập trung, cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Bên cạnh đó, việc khen ngợi học sinh cũng là cách để các con có thêm động lực trong việc học, cũng như động lực để các con chủ động kết nối với giáo viên.”
Nhà báo Trần Quang Minh cũng cho rằng các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm đồng hành cùng con, trước tiên là việc cung cấp cho các con các thiết bị đầy đủ để các con học được thuận tiện nhất. Thứ hai là thường xuyên hỏi han con có hiểu bài không, nếu chưa hiểu thì mình có thể liên hệ với cô giáo hay có thể hỗ trợ các con trong việc tự học. Tôi cũng không quá đặt áp lực rằng con phải đạt được thành tích hay điểm nổi trội. Việc đồng hành và truyền năng lượng tích cực cho con trong quá trình học là một việc cực kỳ quan trọng mà phụ huynh cần phải chú tâm. “Để các con có thể tập trung trong việc học, tôi nghĩ nên có những có các hình thức học thú vị hơn như qua video, bài hát, hình ảnh nhiều màu sắc... Việc này sẽ giúp các con có hứng thú nhiều hơn. Việc đầu tư cho bài giảng, về hình ảnh, âm thanh cần được cải tiến để trước tiên, khi các con thích thì các con có hứng thú và học hiệu quả hơn” - nhà báo Quang Minh đề xuất.
Theo chuyên gia tâm lý, các bậc bố mẹ và thầy cô giáo nên giảm áp lực lên trẻ. Việc rèn nề nếp cho con quan trọng hơn việc bắt ép. Chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng mức độ tập trung và hiểu bài ở mỗi trẻ, mỗi thời điểm sẽ khác nhau. Cha mẹ đừng nên kiểm soát con, việc này sẽ khiến con có xu hướng nói dối bố mẹ. Giáo viên cũng nên giảm áp lực lên học sinh bằng cách tạo cho con nhiều cơ hội học tập ở nhiều khía cạnh, phương pháp khác, nên phụ thuộc vào tâm lý và sức khoẻ của con trẻ để trẻ có thể tiếp nhận cách tốt nhất. Đôi khi áp lực từ cha mẹ, giáo viên chuyển sang con cái, học sinh cao hơn từ anh chị em, bạn bè, nên có thể thử áp dụng phương pháp để anh chị em hoặc bạn bè học cùng nhau, hướng dẫn nhau.
Nguyễn Đăng Doanh
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23