Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam: Định hướng, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng
(LĐXH) - Chiều ngày 08/10/2021, tại Hà Nội, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam họp kỳ họp lần thứ III năm 2021. Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chủ trì kỳ họp.
Tại cuộc họp, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã trình bày các báo cáo để Hội đồng quản lý BHXH thẩm định, thảo luận, cho ý kiến gồm: Báo cáo Dự toán thu chi năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024; Báo cáo thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và kế hoạch đầu tư công năm 2022; Báo cáo thực hiện công tác đầu tư quỹ năm 2021 và phương án đầu tư quỹ năm 2022; Báo cáo chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 từ quỹ BHXH, BHTN. Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam báo cáo nhấn mạnh các kết quả nổi bật của BHXH Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19.
Qua trao đổi, thảo luận, các thành viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đánh giá, từ đầu năm 2021 đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là đời sống của người lao động và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng BHXH Việt Nam vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh như công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, thanh tra điện tử, quyết toán tập trung, liên thông các phần mềm để phục vụ người dân tốt hơn trong dịch bệnh. Công tác thu, phát triển người tham gia, chi trả các chế độ cho người tham gia được bảo đảm kịp thời. Công tác tuyên truyền được đổi mới cả về nội dung và hình thức theo hướng đa dạng, linh hoạt. Công tác đầu tư quỹ tiếp tục được bảo đảm an toàn, hiệu quả theo quy định.
Đánh giá cao những kết quả ngành BHXH Việt Nam đã đạt được, tuy nhiên, các thành viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam cũng nhận định, những tác động của đại dịch Covid-19 là rất nặng nề, nguy cơ đứt gãy thị trường lao động đang hiện hữu, hàng triệu người lao động ở các tỉnh phía Nam đang trở về quê, rời bỏ thị trường lao động, chấm dứt tham gia BHXH, BHTN, BHYT; nhiều doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động đang là một thách thức lớn trong thực hiện nhiệm an sinh xã hội của ngành BHXH Việt Nam. Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam cần có những đánh giá tổng thể, chi tiết về những tác động của đại dịch Covid-19 tới dự toán thu, chi, thực hiện nhiệm vụ của Ngành để có những giải pháp, điều chỉnh cho phù hợp.
Về giải pháp, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH Việt Nam bám sát các định hướng, chỉ đạo của Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH để có các giải pháp kịp thời, đa dạng, linh hoạt, tiếp cận rộng rãi tới mọi tầng lớp người dân. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT để các dịch vụ của Ngành ngày càng gần gũi, tạo thuận lợi cho người tham gia thụ hưởng chính sách, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường đã báo cáo về kết quả công tác của Hội đồng quản lý trong quý III/2021. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, định hướng của Hội đồng quản lý, sự phối hợp của Thường trực Hội đồng với BHXH Việt Nam trong việc nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 từ quỹ BHXH, BHTN để kịp thời tham mưu, trình Quốc hội và Chính phủ ban hành các Nghị quyết. Một loạt những chính sách hỗ trợ đang được triển khai từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của Hội đồng quản lý trong việc phát huy vai trò của chính sách BHXH, BHTN, BHYT phục vụ người tham gia, góp phần khẳng ý nghĩa nhân văn, tính ưu việt và khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia của các chính sách này.
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Nguyễn Văn Cường cũng báo cáo về dự thảo phân công các uỷ viên của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam phụ trách chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương; Báo cáo về Đề án kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý; Đánh giá kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản lý giai đoạn từ năm 2018 đến nay. Theo đó, hoạt động của Hội đồng quản lý ngày càng được củng cố và kiện toàn, Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý được đồng chí Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng quản lý ký ban hành đã tạo cơ sở quan trọng để Hội đồng quản lý phát huy hết vai trò, nhiệm vụ trong công tác kiểm tra, giám sát và tư vấn chính sách BHXH, BHYT, BHTN hướng đến hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại cuộc họp
Về công tác kiểm tra, giám sát, từ năm 2018 đến nay, các thành viên Hội đồng quản lý đã thực hiện 35 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương. Qua đó giúp chính quyền các địa phương nắm bắt, chủ động hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách này trên địa bàn. Qua hoạt động giám sát, Hội đồng quản lý đã kịp thời chỉ đạo Sở Y tế, BHXH các tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, chấn chỉnh, kiểm soát việc tăng đột biến chi phí khám chữa bệnh BHYT; chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN… Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam được Chính phủ giao nhằm đảm bảo các chính sách BHXH, BHTN, BHYT được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật; đồng thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm, lạm dụng trong thực hiện các chính sách này để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, do đó cần được thực hiện thường xuyên, sát sao. Tuy nhiên, từ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động này được tổ chức rất ít. Vì vậy, tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng quản lý đã thảo luận, nghiên cứu để xây dựng kịch bản hoạt động giám sát phù hợp với tình hình hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh, trong 3 tháng cuối năm 2021, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xác định tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác BHXH, BHYT, BHTN tại BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương nhằm đôn đốc, hướng dẫn, đồng hành cùng toàn ngành BHXH Việt Nam vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được Chính phủ giao; đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong tình hình dịch bệnh, quyết tâm đạt được các chỉ tiêu về bao phủ, giúp nhiều người dân, người lao động được bảo vệ, thụ hưởng các chính sách an sinh một cách đầy đủ, toàn diện.
Về Đề án nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, các thành viên Hội đồng cũng thống nhất cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để chuẩn bị cho việc đề nghị Chính phủ xây dựng một Nghị định quy định về hoạt động Hội đồng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, nội dung công tác.
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam nhấn mạnh: trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội đồng quản lý đã kịp thời chỉ đạo, tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 từ chính sách BHXH, BHTN. Cụ thể như Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 từ quỹ BHTN có hiệu lực từ ngày 01/10/2021 với hơn 13 triệu người lao động và khoảng 386 nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với người lao động và doanh nghiệp đúng thời điểm khó khăn, qua đó thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHXH, BHTN của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường phát biểu tại cuộc họp
Thời gian tới, đồng chí Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam yêu cầu, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong năm 2021 và kế hoạch của Hội đồng quản lý đã ban hành. Trong bối cảnh hiện nay, BHXH Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong công tác truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là BHXH tự nguyện để ngày càng nhiều người lao động tự do, nông dân được tham gia BHXH để về già có lương hưu hàng tháng giúp ổn định cuộc sống. Đặc biệt coi trọng công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để người lao động và Nhân dân tiếp cận chính sách BHXH, BHYT một cách nhanh nhất và thuận lợi nhất; đồng thời tạo điều kiện cho việc thu nộp, giải quyết các chế độ được nhanh chóng, an toàn và chính xác. Lĩnh vực đầu tư quỹ cần tiếp tục được cải thiện trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; nghiên cứu thí điểm hình thức đấu thầu tiền gửi tại 5 ngân hàng thương mại Nhà nước để nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ. Về bộ máy quản lý của Ngành cần tiếp tục kiện toàn, tinh gọn, nâng cao trình độ quản lý, năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn./.
Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
03-01-2025 17:05 48
-
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
03-01-2025 15:22 03
-
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
03-01-2025 14:01 34
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
16-12-2024 23:42 17
-
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
07-10-2024 23:41 45
-
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
11-12-2024 23:18 24