Lao động
Hội đồng quốc gia về An toàn vệ sinh lao động triển khai nhiệm vụ năm 2019
09:26 AM 20/12/2018
(LĐXH) – Ngày 19/12/2018, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức cuộc họp lần thứ hai để đánh giá những công việc đã triển khai trong năm 2018 và xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2019.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quốc gia ATVSLĐ chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có các thành viên của hội đồng là đại diện các Bộ, ngành: Công thương; Xây dựng, Công An, Y tế, Quốc phòng… cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham gia cuộc họp
Báo cáo những công việc đã triển khai sau cuộc họp Hội đồng lần thứ nhất, Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết: Sau phiên họp lần thứ nhất, Hội đồng đã tổ chức đối thoại định kỳ năm 2017 và 2018. Tại phiên đối thoại năm 2017 có 157 ý kiến, năm 2018 có 93 ý kiến chia thành 4 nhóm vấn đề lớn, liên quan đến lĩnh vực quản lý của 5 Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, ngoài ra có một số nội dung trao đổi trực tiếp tại đối thoại. Tất cả các nội dung đều được đại diện các thành viên Hội đồng đến từ các Bộ, ngành trao đổi và trả lời trực tiếp tại đối thoại. Đối với những quy định do trong quá trình triển khai doanh nghiệp, người lao động chưa hiểu rõ đã được các thành viên Hội đồng giải thích cặn kẽ, chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người sử dụng lao động và người lao động, ví dụ như việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật; tổ chức bộ phận ATVSLĐ; mức đóng vào quỹ TNLĐ, BNN; giải quyết chế độ TNLĐ; tổ chức huấn luyện đối với nhóm người làm công tác y tế; yêu cầu về trình độ người huấn luyện về ATVSLĐ; thanh tra, điều tra TNLĐ.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phiên đối thoại năm 2018 tổ chức vào ngày 11/4/2018 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng: Thứ trưởng Bộ LĐTBXH – Lê Tấn Dũng và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính. Đối thoại có sự tham gia của 150 đại biểu là đại diện người sử dụng lao động, đại diện người lao động, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động địa phương và một số Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp tham gia. Hội đồng đã trao đổi, giải đáp các kết quả đã triển khai sau đối thoại năm 2017 và 93 ý kiến gửi đến Hội đồng. Ngoài ra, tại phiên đối thoại còn có thêm 7 ý kiến trao đổi và trả lời trực tiếp tại đối thoại.
Sau đối thoại của Hội đồng vào tháng 12/2017, cơ quan thường trực của Hội đồng đã làm việc và cùng các Bộ, ngành triển khai một số công việc như sau: Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã triển khai các công việc liên quan đến hoạt động huấn luyện ATVSLĐ; Hoạt động hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ (từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN theo quy định tại Nghị định 37/2016/NĐ-CP năm 2017); Về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Trong đó, đã rà soát, cắt bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận hạng A ở cấp Trung ương, Bộ, ngành chuyển về cấp địa phương; Giao quyền cho doanh nghiệp tự huấn luyện nếu đủ điều kiện huấn luyện hạng A tự công bố, công khai trên Website của Cục, của Sở (cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra, hậu kiểm); Cục An toàn lao động đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc…
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng
Về phía Bộ Y tế, đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thông cho người sử dụng lao động và các quy định hướng dẫn liên quan đến quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp; Tăng cường chất lượng quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp; Thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ…
Về phía các Bộ Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ chuyên ngành, từng bộ đã chủ động đề xuất sửa đổi chính sách cho phù hợp. Đối với những vấn đề liên quan đến nhiều bộ, các bộ chuyên ngành đã cùng với Bộ LĐTBXH thảo luận, trao đổi và đi đến thống nhất để sửa đổi chính sách và tổ chức thực hiện. Như nội dung bồi dưỡng cho kiểm định viên, thừa nhận các chứng chỉ kiểm đinh viên đã được cấp.
Về phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sau kỳ đối thoại năm 2017, những ý kiến đưa ra liên quan đến tổ chức và hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên quy định tại Điều 74 Luật ATVSLĐ đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Kế hoạch và đang tổ chức biên soạn tài liệu để tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức ATVSLĐ, kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn vệ sinh viên.
Sau đối thoại, bên cạnh những nội dung đã được trao đổi, giải đáp, một số nội dung vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh đã được tiếp thu, sửa đổi tại các văn bản quy phạm pháp luật, vẫn còn một số nội dung vướng mắc do các quy định của pháp luật chưa phù hợp liên quan đến nhiều Bộ nên đến nay vẫn chưa được giải quyết, cần xin ý kiến Hội đồng như: Về sự trùng lắp nội dung huấn luyện, ví dụ nhóm 3 ngành điện phải tham gia huấn luyện ATVSLĐ theo 2 văn bản là: Nghị định 44/2016/NĐ-CP và thông tư 31/2014/TT-BCT của Bộ Công thương dẫn đến chồng chéo, không thống nhất trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng, thi và kiểm tra sát hạch nghề. Đồng thời NLĐ phải tham gia học và kiểm tra quá nhiều đợt huấn luyện trong năm gây căng thẳng, lãng phí thời gian công sức; Nghị định 44/2016/NĐ-CP. Thẩm quyền quản lý chồng chéo, doanh nghiệp sử dụng thiết bị phải kiểm định tại nhiều tổ chức đối với một loại thiết bị để hoạt động (do mỗi Bộ quản lý khu vực, lĩnh vực khác nhau); Kiểm định viên phải đi học tại nhiều Bộ khác nhau để kiểm định cùng một loại thiết bị…
Đại diện Bộ Công an phát biểu đóng góp ý kiến cho hoạt động của Hội đồng
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ ngành đều đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội động quốc gia về ATVSLĐ trong thời gian qua, Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các cuộc đối thoại, Hội đồng đã biết được các vướng mắc ở doanh nghiệp, qua đó từng bước tháo gỡ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cụ thể như; các văn bản pháp luật đã liên tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp; Nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động được nâng lên…
Các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị cho hoạt động của Hội đồng trong thời gian tới, như: Nên tổ chức đối thoại theo từng chuyên đề cụ thể theo từng lĩnh vực; Nên kiểm định đối với các thiết bị y tế có liên quan đến phóng xạ; Tăng cường hoạt động huấn luyện chuyên sâu, như: Huấn luyện an toàn điện, hóa chất…; Cần tăng cường giám sát thanh tra đối với các hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản…; Tăng chế tài xử phạt đối với các vi phạm pháp luật về ATVSLĐ…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những hoạt động của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ. Mặc dù mới thành lập nhưng Hội đồng đã tổ chức được hai cuộc đối thoại với doanh nghiệp là một nỗ lực rất lớn. Thông qua đối thoại, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương sẽ biết được doanh nghiệp đang gặp những vướng mắc gì và sẽ phối hợp với nhau để tháo gỡ cho doanh nghiệp tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Cũng thông qua đối thoại sẽ nhận diện được nhiều dạng vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, hoạt động của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ cũng vẫn còn những tồn tại như: Còn tình trạng chồng chéo trong văn bản pháp luật; các chế tài xử phạt vi phạm còn chưa đủ tính răn đe. Thứ trưởng đề nghị, Hội đồng cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành để xem xét, cân nhắc thay đổi cho phù hợp. Trước khi đối thoại, cần phải phân loại các vấn đề để đối thoại đạt hiệu quả cao. Thứ trưởng cũng đề nghị Hội đồng trước mắt phải tập trung chuẩn bị cho Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019. Phải lên kế hoạch tổ chức cụ thể, tổ chức gọn nhẹ, tránh hình thức, phô trương, lãng phí nhưng phải tạo sự lan tỏa cao. Phải chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ cả trước trong và sau Tháng hành động để công tác ATVSLĐ phải được thực hiện một cách thường xuyên và hiệu quả./.
Nguyễn Hiền
Từ khóa: