Hội LHPN Hà Nội: Công tác giám sát ở các cấp hội được triển khai có hiệu quả
(LĐXH) – Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó, công tác giám sát đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với Cách mạng, Hội LHPN Hà Nội xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Hội thực hiện; cử cán bộ, hội viên tham gia Ban chỉ đạo, trực tiếp tham gia 5.509 tổ rà soát thực hiện tổng rà soát chế độ chính sách người có công đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ tại 584 xã, phường, thị trấn; tham gia 17 đoàn kiểm tra, phúc tra tại 30 quận, huyện, thị xã, đã phát hiện 257 trường hợp thân nhân liệt sỹ (đối tượng hưởng thờ cúng liệt sỹ) chưa được hưởng chế độ theo quy định, lập danh sách, đề xuất ngành LĐ&TBXH kiểm tra, bổ sung, hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ bổ sung chế độ kịp thời.
Cùng với đó, Hội LHPN Hà Nội xây dựng, triển khai kế hoạch giám sát chuyên đề việc thực hiện khoản 1, khoản 2 Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấ pvề việc bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Qua giám sát, phát hiện việc phân bổ thành phần, cơ cấu nữ chưa hợp lý, chưa bảo đảm tỷ lệ nữ giới thiệu ứng cử trong 2 vòng hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai. Qua đó, các cấp Hội đã kiến nghị Ủy ban bầu cử điều chỉnh cơ cấu, tỷ lệ ứng cử viên nữ theo đúng qui định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Kết quả, chốt danh sách các ứng cử viên chính thức, tỷ lệ nữ ứng cử HĐND các cấp đạt trên 35%; trong đó cấp thành phố là 37%, cấp quận, huyện có tỷ lệ trung bình là 43%, cấp cơ sở có tỷ lệ trung bình là 39%. Kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp có tỷ lệ trúng cử: HĐND thành phố 25/178 đạt 23,8%; HĐND cấp quận/huyện 356/1.183 đạt trung bình 30%; HĐND cấp phường/ xã 4.510/15.816 đạt trung bình 28,5 %, đặc biệt có đơn vị đạt tỷ lệ đại biểu nữ trên 40%.
Đặc biệt, Hội Phụ nữ đã chú trọng vào giám sát việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đánh giá sau giám sát đã ghi nhận 34/34 đơn vị tiến hành đánh giá 10 năm việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, trong đó, 19 đơn vị quận, huyện tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng và biểu dương các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Sau 10 năm thực hiện, nhận thức về bình đẳng giới và việc triển khai được thực hiện nghiêm túc ở các cấp, các ngành, đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ, vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng đã chỉ ra một số chỉ tiêu, mục tiêu trong Nghị quyết chưa đạt: công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số ban, ngành, quận, huyện, cơ sở còn thấp; Hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ở một số địa phương, đơn vị còn hình thức.
Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN đã ban hành kế hoạch, tập trung giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 30/2012-TT/BYT của Bộ Y tế trên địa bàn thành phố. Hội LHPN Hà Nội chủ trì tổ chức đoàn giám sát liên ngành tại 10 quận, huyện, 10 chợ và 25 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố. Đoàn giám sát đã nghiêm túc trao đổi với đơn vị được giám sát những hiện tượng vi phạm nhưng chưa được xử lý kiên quyết, chưa đủ mức răn đe, nhất là tuyến cơ sở (chủ yếu là nhắc nhở); công tác hậu kiểm tra sau xử lý vi phạm chưa được quan tâm đúng mức… Trực tiếp nhắc nhở các trường hợp Ban Quản lý chợ, hộ kinh doanh thực hiện chưa đúng qui định về an toàn thực phẩm.
Song song với các hoạt động giám sát, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với MTTQ cùng cấp thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên gắn việc thực hiện 02 Bộ Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, người lao động; Quy tắc ứng xử nơi công cộng; cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” của Hội LHPN Hà Nội. Bước đầu triển khai, các cấp Hội đã có những chủ động trong việc phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của CB, CC, VC tại khu dân cư về việc gương mẫu chấp hành pháp luật, phẩm chất đạo đức, mối quan hệ với nhân dân; giám sát cán bộ, đảng viên nơi công tác, nơi cư trú theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngoài ra, các cấp Hội thực hiện giám sát thông qua việc giải quyết đơn thư, kiến nghị của phụ nữ và nhân dân, trong 5 năm qua đã tham gia giải quyết 362 đơn thư.
Với tinh thần chủ động, đổi mới, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội gắn với thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Các cấp Hội phụ nữ toàn TP tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, Quy tắc ứng xử trên địa bàn TP và phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”; đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền; tổ chức quán triệt chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tới 100% cán bộ chuyên trách và cán bộ Hội cơ sở.
Trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quán triệt sâu sắc các quy định của Trung ương và Thành phố về công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Tập trung triển khai Chương trình 06/CTHĐ-BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam thực hiện khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ”; Tăng cường phối hợp tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố…
Thanh Hương
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
24-11-2024 08:01 44
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
- Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
- Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh