Hội Người mù quận Hoàn Kiếm: 30 hội viên được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh
(LĐXH) - Vinh dự là đơn vị đóng trên địa bàn của một quận anh hùng và là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, du lịch, thương mại, hành chính của Thủ đô, Hội Người mù quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội) luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực quan tâm, chăm lo đời sống cho hội viên.
Anh Nguyễn Châu Sơn, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm cho biết: Ý thức được tầm quan trọng của công tác tổ chức tác động mạnh mẽ đến toàn bộ phong trào, hàng năm, Hội Người mù quận Hoàn Kiếm đều thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các quy chế hoạt động, quy chế quản lý tài chính - tài sản, nội quy làm việc của văn phòng và cơ sở sản xuất, lập sổ sách đúng quy định của Nhà nước và tổ chức Hội. Đồng thời chú trọng đến công tác phát triển hội viên, cán bộ hội thường xuyên khảo sát địa bàn, nắm bắt tình hình, động viên người khiếm thị tự nguyện gia nhập tổ chức Hội. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đã kết nạp được 12 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hiện có lên 100 người.
Bác Nguyễn Thị Hằng, 62 tuổi, trú phường Hàng Đào cũng là một trong số những hội viên của Hội được vay vốn để buôn bán nhỏ
Do đặc thù của người khiếm thị gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với hoạt động giáo dục, dạy nghề và các nguồn thông tin khác, trong khi các cơ sở chuyên biệt còn rất thiếu, phương tiện, thiết bị, dụng cụ học tập khan hiếm, giá cao ngoài khả năng chi trả của người mù, nên Hội đã tích cực tìm các giải pháp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ cho cán bộ, hội viên. Đặc biệt, công tác chăm lo đời sống và giải quyết việc làm cũng được hội quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội. Hội đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, cơ cấu lại các ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ của Hợp tác xã 202 Hồ Gươm theo hướng thúc đẩy các loại hình dịch vụ. Theo đó, hàng năm, có hàng chục vạn gói tăm và hàng nghìn chiếc chổi được tiêu thụ trên thị trường. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đã cử 08 hội viên tham gia các khóa đào tạo nghề do Trung tâm đào tạo, phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm Dạy nghề của Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức. Sau đào tạo, các học viên đều đã có việc làm và thu nhập ổn định. Tiêu biểu như hội viên Trần Đức Hòa, ở phường Chương Dương. Căn bệnh thoái hóa võng mạc khiến anh đang là một lái xe trở thành người khiếm thị phải sống phụ thuộc vào gia đình. Năm 2012, anh Hòa được kết nạp vào Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, được cử đi học nghề xoa bóp tẩm quất tại Trung tâm Dạy nghề của Hội Người mù thành phố. Nhờ tích cực học hỏi, giờ đây tay nghề của anh đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng và được anh Tạ Đình Hán cũng là hội viên của Hội nhận về làm việc. Hiện nay, thu nhập bình quân hàng tháng của anh Hòa đạt trên 5 triệu đồng.
Bên cạnh việc dạy nghề, Hội Người mù quận Hoàn Kiếm còn tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ nhiều năm qua, các cấp hội đã đại diện đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo. Nhằm phát huy lợi thế của các gia đình hội viên có vị trí kinh doanh thuận lợi, sự hỗ trợ của các thành viên khác trong cùng một hộ, thông qua kênh vốn phân bổ từ Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù thành phố, Hội đã lập dự án, tín chấp giúp hội viên vay vốn Ngân hàng chính sách để phát triển gia đình. Hiện nay, Hội đang triển khai 02 dự án cho 30 hội viên vay vốn để mở cơ sở tẩm quất, bán quần áo, làm dịch vụ tăm chổi. Hoạt động cho vay vốn không chỉ giúp hội viên xóa đói giảm nghèo mà còn phấn đấu làm kinh tế. Việc vay vốn phát triển kinh tế đã giúp người mù chủ động, không phụ thuộc vào gia đình, tự chủ trong vấn đề chi tiêu, thậm chí có những người làm chủ gia đình, nuôi con cái ăn học trưởng thành. Các hội viên là những người có lòng tự trọng, đến kỳ thanh toán đều hoàn trả vốn vay và lãi đúng hạn, không có trường hợp chậm chễ về trả vốn vay. Nhờ đó, tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 25% (năm 2006) xuống còn 15% (năm 2017). Trong tổng số 100 hội viên, chỉ còn 02 hộ thuộc diện hộ nghèo. Tiêu biểu cho phong trào vay vốn làm ăn có hiệu quả là hội viên Tạ Đình Hán, ở phường Hàng Buồm. Từ cơ sở xoa bóp tẩm quất đầu tiên, hiện nay anh đã phát triển thêm 02 cơ sở, tạo việc làm cho trên 30 lao động là người khiếm thị.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục quản lý tốt công tác vay vốn, tìm kiếm các nguồn vốn mới, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả để giúp cho gia đình hội viên có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, hội còn đẩy mạnh hoạt động sản xuất mặt hàng tăm, chổi truyền thống, không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm; Tăng cường công tác vận động cộng đồng giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm do người khiếm thị làm ra; Đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển rộng rãi nghề xoa bóp bấm huyệt, bởi đây là một nghề rất phù hợp và hiệu quả đối với người khiếm thị.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48