Xã hội
Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo nghiên cứu về quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ theo công ước CEDAW
05:05 PM 24/09/2019
(LĐXH) Sáng ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UNDP Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo “Đảm bảo quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ Việt Nam” nhằm mục đích tham vấn, lắng nghe các ý kiến đóng góp về giải pháp để giải quyết căn cơ những tồn tại, thách thức đối với quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ nói riêng và quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ nói chung.
Chủ trì Hội thảo gồm có: bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), ông Tom Corrie, Tham tán thứ nhất Ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ cấp trung ương và địa phương, UNDP, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan báo chí tham dự Hội thảo.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp” tại Việt Nam (EU JULE), do UNDP và UNICEF phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam thực hiện.
Toàn cảnh Hội thảo
Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) là Công ước nhân quyền cơ bản của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới kí tham gia ngày 29/7/1980 và phê chuẩn ào ngày 27/11/1981. Trong suốt những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các quy định của Công ước CEDAW và đảm bảo báo cáo định kỳ tình hình thực hiện Công ước đối với Liên Hợp Quốc. Năm 2019 là báo cáo định kỳ lần thứ 9, được khuyến nghị về tăng cường quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ phù hợp với quy định của Công ước CEDAW, giúp tăng cường quyền cho phụ nữ, trang bị những biện pháp hiệu quả để phụ nữ thực hiện các quyền lợi của mình để được đối xử bình đẳng trong mọi bình diện cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo
Có thể thấy quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với quy định của Công ước CEDAW và ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, một loạt các văn bản pháp luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trợ giúp pháp lý.... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế các quy định này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đáng chú ý là những khó khăn về nguồn lực, năng lực thực thi của hệ thống bao gồm cả hệ thống hành chính, hệ thống tư pháp và các cơ chế, thiết chế bổ trợ tư pháp và định kiến về vấn đề giới trong xã hội.
Vì vậy, các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện báo cáo, đảm bảo chất lượng, chính xác, giải pháp có tính khả thi để trình lên Ủy ban Công ước CEDAW lần thứ 9. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cám ơn UNDP đã hỗ trợ thực hiện báo cáo, các chuyên gia đã dành tâm huyết nhiều năm nghiên cứu chủ đề này, hi vọng các đại biểu tham gia sẽ đóng góp ý kiến tích cực vào dự thảo báo cáo. Đây sẽ là một quá trình lâu dài, cần sự hợp tác của các đại biểu với Vụ Bình đẳng giới, các ban ngành trong bộ một cách hiệu quả và sát sao.
Bà Catherine Trương, Trợ lý Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc phát biểu tại Hội thảo
Tiếp lời thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, bà Catherine Trương, Trợ lý Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới từ lâu đã được thể hiện qua pháp luật, hiến pháp về giới và đạt được nhiều tiến bộ, dù còn 1 chặng đường dài để giành được sự bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có sự bình đẳng trong tiền lương, tuy nhiên nam giới vẫn cao hơn 10% trong sở hữu đất và tình hình bạo lực giới vẫn tồn tại, đặc biệt là bạo lực gia đình,... Bởi vậy tiếp cận công lý cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu, cần được đối xử bình đẳng trong mọi mặt xã hội. Hội thảo đề cập tới các quyền pháp lý cho phụ nữ, gồm 5 vấn đề:
-        Đảm bảo bình đẳng giới được phản ánh đầy đủ trong chính luật pháp. Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ to lớn nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết (tuổi nghỉ hưu của nam và nữ còn chênh lệch, vấn đề hình sự hóa hiếp dâm - quấy rối tình dục...)
-        Pháp luật cung cấp biện pháp khắc phục hậu quả chống lại mọi hành vi phân biệt đối xử giới (43% nhà tuyển dụng hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân, 20% bị hỏi về kế hoạch sinh con...)
-        Cần có nhiều hành động chống lại những khuôn mẫu, định kiến cản trở sự bình đẳng, để mọi phụ nữ và trẻ em nhận thức được quyền hợp pháp của mình, nhất là chống bạo lực giới.
-        Hệ thống trợ giúp cần ưu tiên quyền của phụ nữ và hỗ trợ trẻ em gái khi những quyền này bị xâm phạm. Phụ nữ vẫn phải chịu sự đối xử bạo lực, Việt Nam cần hệ thống luật pháp toàn diện cho phụ nữ, có hỗ trợ pháp lý đầy đủ.
-        Phụ nữ cần đc hỗ trợ bởi hệ thống dữ liệu toàn diện, ví dụ số vụ quấy rối tình dục/năm là bao nhiêu, được xử lý như thế nào, các thủ tục tố tục hình sự mất bao lâu để giải quyết? Hiệu quả của các sự trợ giúp pháp lý cho phụ nữ có hiệu quả ko?...
Bà Catherine cũng đánh giá cao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UNDP vì hội thảo này rất kịp thời, đặt ưu tiên cho phụ nữ tiếp cận quyền tư pháp, hi vọng hội thảo sẽ xác định được 1 số hành động cũng như khuyến nghị khả thi nhất.
Bàn Chủ tọa Hội thảo trao đổi ý kiến về dự thảo Báo cáo
Sau Hội thảo, dự thảo Báo cáo này sẽ được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện cũng như cung cấp được các số liệu đáng tin cậy về quyền tiếp cận tư pháp của phụ nữ, góp phần phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 9 về tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam. 

Minh Ngọc

 

 

 

Từ khóa: