Hơn 15 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68
(LĐXH)- Đã có hơn 15 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với số tiền giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng.
“Chống dịch chỉ có thể thành công nếu an dân”
Báo cáo về công tác an sinh xã hội tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 29/8 với 20 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay hơn 15 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, số tiền giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng.Hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu được đóng gói cẩn thận để chuyển đến tận tay bà con chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 (ảnh: MTTQVN)
Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn biểu hiện lúng túng, sợ trách nhiệm, cần rút kinh nghiệm. Bộ trưởng lấy ví dụ, hai tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long chưa rút kinh phí nhà nước để chi; 9 tỉnh khác chưa chi hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, mất việc, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.
“Việc chống dịch chỉ có thể thành công nếu an dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong lúc khó khăn của đồng bào, đồng chí; đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ, lo ăn lo mặc, lo an sinh cho người dân theo Nghị quyết của Chính phủ.
Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, qua quá trình triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, đặc biệt là trong giai đoạn nhiều địa phương giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã có cách làm hay, triển khai rất tốt các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Một số địa phương đã chủ động trong việc hỗ trợ đối với lao động tự do tại địa phương mình như: Lựa chọn ngành nghề để hỗ trợ phù hợp với địa phương; không quy định bắt buộc về điều kiện cư trú đối với lao động tự do (chỉ cần xác nhận tạm trú của cơ quan công an nơi người lao động đang tạm trú là được)…
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương giãn cách sớm và thời gian rất dài nhưng đã tiến hành hỗ trợ cho người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù rất nhanh. Thành phố đã sử dụng tổ COVID-19 cộng đồng để làm thủ tục và hỗ trợ tiền đến tận tay người lao động tự do.
Bảo đảm an sinh xã hội
Theo báo cáo tại Hội nghị, xác định công tác đảm bảo an sinh xã hội là trọng yếu, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân để yên tâm thực hiện giãn cách.
Các địa phương khu vực phía Nam đã hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ với số kinh phí chiếm 72,5% so với cả nước. Toàn bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, phù hợp với từng địa phương như người lao động bán vé số, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động… Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, 100.000 người bán vé số đã được hỗ trợ.
Tại cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng nhấn mạnh cần bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực giãn cách xã hội, không để bất cứ người dân nào đứt bữa, thiếu ăn, thiếu mặc.
Thủ tướng lưu ý cần quan tâm 3 đối tượng cụ thể: Các đối tượng có điều kiện kinh tế nhưng cần giúp đỡ; các hộ gia đình gặp khó khăn, bị đứt bữa; những người lang thang, cơ nhỡ.
Thủ tướng nêu rõ, những nơi tăng cường giãn cách có sức ép rất lớn về an sinh xã hội, y tế, an ninh trật tự. Từ thực tiễn kiểm tra cơ sở những ngày vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh những việc mà cấp xã, phường, thị trấn phải làm thật tốt với sự hỗ trợ của các lực lượng tăng cường đó là: Kêu gọi, vận động, tổ chức người dân thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch; cung cấp các gói an sinh xã hội cho người dân; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine ngay tại xã phường; thực hiện kiểm soát việc đi lại để “ai ở đâu ở đó”. Hình thành các lực lượng vận chuyển hàng hóa đến xã phường nhưng phải bảo đảm an toàn; xã phường cùng lực lượng công an, quân đội vận chuyển đến nhân dân…
Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã phải quán triệt, thấm nhuần, nắm chắc tất cả các biện pháp về phòng chống dịch tại tất cả các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, nội dung nào liên quan tới người dân thì phải quán triệt đến từng người dân.
Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, cơ sở vẫn là khâu yếu nhất. Nếu nơi nào lãnh đạo xã, phường còn nắm các nội dung chỉ đạo lơ mơ thì chắc chắn kiểm tra sau đó cho thấy người dân chưa tiếp cận tốt về an sinh xã hội, y tế./.
Dương Thìn
Từ khóa:
-
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng): Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, thị trường lao động
23-12-2024 10:15 28
-
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
22-12-2024 21:37 20
-
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
21-12-2024 19:25 34
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
16-12-2024 15:54 43
-
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
12-12-2024 15:47 00
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
06-12-2024 15:35 46
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00