Hơn 21 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do Covid-19 ở Đắk Nông
Đến thời điểm này, Đắk Nông đã phê duyệt 33.841 người/hộ thuộc theo chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Số tiền đã chi trả thực tế là hơn 21 tỷ đồng.
Ngày 27/10, Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và một số sở, ngành của tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình và đoàn công tác làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Nông.
Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có 31.068 đối tượng thuộc các nhóm được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 53,101 tỷ đồng; đã bố trí 34,134 tỷ đồng từ Quỹ dự trữ tài chính để hỗ trợ các chính sách này.
Đến thời điểm hiện nay, tổng số được phê duyệt là 33.841 người/hộ, với tổng số tiền thực hiện hơn 26 tỷ đồng. Số tiền đã chi trả thực tế gần 19,5 tỷ đồng. Trong số này, chủ yếu là lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động.
Riêng đối tượng lao động tự do, Đắk Nông đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 3.368 người, với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Hiện kinh phí đã chi thực tế hơn 2 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục thực hiện.
Tỉnh Đắk Nông cũng đang gặp khó khăn về kinh phí. Nguồn nhân lực còn thiếu, hầu hết phải huy động tập trung phòng, chống dịch. Hiện các nội dung văn bản chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền chưa cụ thể đã gây nên khó khăn trong việc tiếp nhận hồ sơ và xác định cụ thể mức hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng…
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông Hoàng Viết Nam cho biết, hiện Đắk Nông thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tuy nhiên, Nghị quyết số 126/NQ-CP vừa ban hành, sửa đổi bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP, từ đó phát sinh vướng mắc về khái niệm “lao động tự do” và “hộ kinh doanh”.
Cụ thể, theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP, một số đối tượng được xác định là lao động tự do nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Thế nhưng, cũng là những đối tượng đó, theo tinh thần Nghị quyết số 126/NQ-CP, họ lại là hộ kinh doanh và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ. Từ đó, phát sinh vấn đề là đối tượng đó được hưởng hỗ trợ theo nghị quyết nào. Vì vậy, địa phương kiến nghị cần làm rõ thế nào là “lao động tự do”.
Cũng theo ông Nam, tiến độ triển khai các nghị quyết của Trung ương tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn chậm. Đắk Nông không phải tâm dịch, số lượng người lao động và người sử dụng lao động chịu tác động của dịch Covid-19 ít hơn so với các địa phương khác nhưng đến nay số lượng đối tượng được nhận hỗ trợ vẫn thấp. Sở sẽ đôn đốc các địa phương làm việc khẩn trương, rà soát, thống kê để có số liệu chính xác nhất.
Kết luận sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình đề nghị các thành viên đoàn công tác tiếp thu ý kiến, kiến nghị của địa phương; đồng thời đánh giá đúng tình hình, nhận xét khách quan các nội dung buổi làm việc, tổng hợp đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, thị trường lao động trong thời gian sắp tới và xây dựng các chính sách mới.
Ông Vũ Trọng Bình đánh giá, nhìn chung, tỉnh Đắk Nông có tích cực trong việc ban hành văn bản triển khai các chính sách, phát huy vai trò cộng đồng trong việc huy động hỗ trợ đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, qua làm việc thực tế tại huyện Đắk Mil và báo cáo cho thấy, địa phương không thực hiện khảo sát chính sách để xác định đối tượng thụ hưởng của từng chính sách nên rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện trên thực tế; thiếu chủ động trong việc nắm bắt, đánh giá tình hình và thấu hiểu thực trạng khó khăn của người lao động dẫn đến không đánh giá được thực trạng và khó khăn của đối tượng. Địa phương đang còn tình trạng thụ động, trông chờ vào hướng dẫn của Trung ương nên bị động, chậm trễ trong thực hiện chính sách; cần nâng cao hơn vai trò chủ động, sáng tạo của địa phương.
Đến nay, mới chỉ có chính sách chi trả tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện nhanh do số liệu và kinh phí có sẵn. Các chính sách còn lại, mặc dù được ban hành đã lâu, nhưng địa phương triển khai rất chậm.
Sau khi ban hành chính sách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đã gấp rút triển khai, đôn đốc, với mong muốn chính sách nhanh chóng đến được các đối tượng thụ hưởng để họ sớm bớt đi khó khăn. Địa phương đang lúng túng, thiếu chủ động về phương pháp thực hiện, lý do chủ yếu nêu ra vẫn là khó khăn về kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, lại không có báo cáo, đề xuất với Trung ương.
Đoàn công tác đề nghị tỉnh Đắk Nông sớm khắc phục khó khăn, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, bằng cả hệ thống chính trị để các chính sách kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng ngay trong lúc khó khăn nhất. Nếu tiếp tục chậm trễ qua thời điểm khó khăn nhất sẽ mất đi ý nghĩa của chính sách, hiệu lực của chính sách kém hiệu quả khi đi vào cuộc sống.
Trước đó, ngày 26/10, đoàn công tác đã có buổi làm việc tai huyện Đắk Mil. Đến hết tháng 10, phần lớn các đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 68 trên địa bàn huyện đã tiếp cận được chính sách. Tuy nhiên, chưa có đối tượng nào nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Toàn huyện Đắk Mil hiện có hơn 1.200 đối tượng lao động tự do dự kiến được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người do bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19./.
Theo Nhân Dân
Từ khóa:
-
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
22-12-2024 21:37 20
-
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
21-12-2024 19:25 34
-
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
21-12-2024 19:25 29
-
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
12-12-2024 15:47 00
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
06-12-2024 15:35 46
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
03-12-2024 15:23 59
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00