Huyện Chợ Gạo đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm
(LĐXH) - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được chú trọng thực hiện thông qua các chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động. Đây là những hoạt động thiết thực giúp các địa phương trong huyện hoàn thành tiêu chí số 12 về lao động có việc làm trong xây dựng nông thôn mới (NTM), mở ra hướng phát triển phù hợp với tình hình thực tế tại các xã xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, công tác đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được triển khai thực hiện phù hợp. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các ngành nghề đào tạo được tổ chức ngày càng đa dạng, như: Đào tạo nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái chủ lực của huyện (thanh long, bưởi, dừa...), dạy nghề may công nghiệp, đan lát, bó chổi que dừa..., tập huấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Đối với các hộ gia đình, địa phương khuyến khích nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả nên đã nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của các xã trong huyện đạt trên 90%. Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đã đạt tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Đối với những xã hệ Ngọt hóa Gò Công như Xuân Đông, Hòa Định, Bình Ninh, An Thạnh Thủy..., do điều kiện kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi với cây trồng chủ lực là cây dừa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập phần lớn hộ gia đình nơi đây còn thấp. Để nâng cao mức sống của người dân trong khu vực, tạo việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương, thời gian qua, bên cạnh việc giới thiệu việc làm cho lao động tham gia làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, chính quyền các địa phương tại đây còn tích cực phối hợp các ngành, các cấp trong huyện tổ chức nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như đan lát, lục bình, bó chổi que dừa, kết cườm, may công nghiệp để người lao động có thể nhận hàng gia công...
Tại xã Xuân Đông, ngoài lực lượng lao động là công nhân tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, hiện trên địa bàn xã có thêm 02 cơ sở đan lục bình, 01 cơ sở đan lát và một vài tổ hợp may gia công, thêu tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động tại địa phương, từ đó giúp địa phương có tỷ lệ người lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên là 5.330/5.922 người, chiếm tỷ lệ 90%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,9%.
Còn tại xã Hòa Định, các tổ bó chổi, đan lát, lục bình, se nhang, may công nghiệp thu hút và giải quyết hàng năm trên 500 lao động nhàn rỗi có việc làm với mức thu nhập ổn định. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hàng năm ước đạt 22,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 3,3%.
Khác với các xã hệ Ngọt hóa Gò Công, các xã nằm trong vùng Đề án phát triển thanh long của huyện có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn do người dân có nguồn thu nhập khá từ cây thanh long - cây trồng chủ lực đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ cây trồng này đã giúp tỷ lệ lao động tại các địa phương nằm trong đề án luôn đạt yêu cầu của tiêu chí như xã Tân Bình Thạnh có tỷ lệ lao động có việc làm đạt 93,03%, xã Mỹ Tịnh An đạt 90,91%, xã Đăng Hưng Phước đạt 90,34%... Ngoài ra, tại các xã này, bên cạnh lực lượng lao động đi làm việc trong các doanh nghiệp, địa phương còn tạo điều kiện việc làm cho những lao động nông nhàn thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long ngay tại địa phương. Khi làm việc tại đây, người lao động có thu nhập trung bình trên 200.000 đồng/ngày. Hiện toàn huyện có 60 doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn, diện tích kho bãi đạt trên 5 ha đang thu hút hàng trăm lao động tại các địa phương trong huyện.
Bên cạnh những nỗ lực trong công tác tạo việc làm ngay tại địa phương, huyện Chợ Gạo còn chú trọng công tác tuyên truyền lao động đi làm việc có thời gian tại nước ngoài để nâng cao thu nhập hộ gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo với các thị trường lao động chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... Trong năm 2017, toàn huyện có 20 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 120% kế hoạch tỉnh giao. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện đã có 09 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 45% so kế hoạch tỉnh giao. Năm 2017, huyện Chợ Gạo dạy nghề cho 1.041 người, tạo thêm việc làm cho 2.815 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,74%.
Việc duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa -hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, để duy trì và giữ vững tiêu chí số 12, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở các xã, rất cần sự nỗ lực của mỗi người dân trong việc lựa chọn cho mình một việc làm phù hợp với thu nhập ổn định.
Ngọc Xuyên
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48