Lao động
Kết quả nổi bật trong công tác giải quyết việc làm, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định ở Bình Dương
05:01 PM 29/01/2019
(LĐXH)-Lao động – Việc làm là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc và từng địa phương, liên quan trực tiếp đến thu nhập, đời sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Năm 2018, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội của địa phương.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm
Nhằm tạo thêm được nhiều việc làm mới cho người lao động (LĐ) trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện chính sách phát triển các thành phần kinh tế; đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, để giúp người LĐ tiếp cận với thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp dễ dàng, người sử dụng LĐ tuyển dụng LĐ thuận lợi, bảo đảm thống nhất và linh hoạt của thị trường LĐ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Sở LĐTBXH) đã tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường LĐ; cập nhật hệ thống thông tin thị trường LĐ, thu thập, cung cấp thông tin về việc làm trống, người tìm việc. Năm 2018, tỉnh đã thu thập thông tin cung, cầu LĐ với tổng số gần 250.000 hộ và 7.700 DN được điều tra, cập nhật thông tin. Đây là một nguồn dữ liệu quan trọng trong việc xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch của địa phương.
Tỉnh cũng nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh thông qua việc tổ chức sàn giao dịch với tần suất tăng, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, mở rộng về thời gian, phạm vi và cách thức thực hiện như: Phiên GDVL mini, Sàn GDVL trực tuyến (tư vấn –giới thiệu việc làm qua các tiện ích trên sàn giao dịch trực tuyến, qua Email, facebook, skype, tư vấn trực tiếp, nhắn tin điện thoại…); hoặc liên kết với các Trung tâm tỉnh bạn thực hiện sàn GDVL; xây dựng bản tin thông tin thị trường LĐ tỉnh Bình Dương; ngân hàng dữ liệu lao động…;  đặc biệt quan tâm tư vấn - giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, sinh viên mới ra trường thông qua hình thức đến tư vấn- giới thiệu việc làm trực tiếp tại buổi ra quân và các buổi lễ tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Trong năm, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 132.583 người, 46.255 người nhận được việc làm (đạt tỉ lệ 34,9% so với tổng số người được giới thiệu việc làm); tổ chức 27 sàn giao dịch việc làm (đạt 100% kế hoạch) với 3.268 lượt DN tham gia trực tiếp và trực tuyến, với nhu cầu tuyển dụng là 114.479 LĐ; tổ chức 24 lớp bồi dưỡng kỹ năng tìm việc cho người lao động và kỹ năng nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng thực hiện các dự án, chính sách về việc làm như: hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm;... Cụ thể, trong năm 2018, từ vốn vay giải quyết việc làm tỉnh Bình Dương (chương trình 120) đã tạo việc làm tăng thêm cho 15.084 lao động. Tỉnh cũng đưa được 32 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.  GIải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định, trong đó, duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp 71.346 quyết định với số tiền trợ cấp là 1.014.821 triệu đồng; hỗ trợ học nghề là 3.650 người (tăng 16,9% so với năm 2017); 69.240 người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức gặp gỡ, trao đổi với người lao động từ 35 tuổi trở lên nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp với hơn 100 người lao động để đánh giá nguyên nhân và kiến nghị giải pháp.
Với những giải pháp đồng bộ, đa dạng nêu trên, năm 2018, tỉnh Bình Dương đã tạo việc làm tăng thêm cho 46.393 lao động, tỷ lệ 101% so với kế hoạch đề ra trong năm.
Các nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp người lao động
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doah nghiệp
Bình Dương có đặc thù là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn và trọng điểm của cả nước với nhiều doanh nghiệp sản xuất và người lao động. Tính đến nay, Tổng số công nhân lao động hiện có là 1.099.548 người, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 84%. Với số lượng lao động đông, Bình Dương hết sức quan tâm đến việc quản lý Nhà nước về công tác LĐ, việc làm và nhất là việc thực hiện các chế độ chính sách cho người LĐ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người LĐ, hạn chế việc xảy ra các vụ TCLĐTT và đình công, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Trong năm 2018, Sở đã phối hợp Ban quản lý KCN Việt Nam - Singapore , BQL các KCN và Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án Phát triển quan hệ LĐ trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 – 2020” và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người LĐ và người sử dụng LĐ trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017 -2021. Triển khai thực hiện Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ và Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của  Bộ LĐ-TB&XH cho hơn 2.500 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế... Đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc như tổ chức đối thoại định kỳ, tổ chức hội nghị người LĐ. Đồng thời gửi văn bản hướng dẫn cho hơn 2.600 doanh nghiệp về các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động.
Bên cạnh đó, Sở tiến hành kiểm tra, hướng dẫn, trả lời bằng văn bản các nội dung liên quan như: 495 nội quy lao động (đạt 103,12% kế hoạch năm), 475 thỏa ước lao động tập thể (đạt 169,64% kế hoạch năm), 1.790 hệ thống thang, bảng lương (đạt 179% kế hoạch năm), trả lời văn bản cho 128 doanh nghiệp về chấm dứt hợp đồng với người lao động cao tuổi, tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước, làm thêm giờ, nghỉ bù vào ngày lễ tết, hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần, cách tính tiền lương… Tổ chức điều tra 130 doanh nghiệp về LĐ và tiền lương trong doanh nghiệp năm 2017 theo Quyết định số 188/QĐ-LĐTBXH ngày 02/3/2018 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và điều tra “Đánh giá tình hình thực hiện Bộ Luật lao động 2012 về cho thuê lại LĐ năm 2018” tại 35 doanh nghiệp.
Năm 2018, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo giải quyết TCLĐTT, ĐC không đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương và ban hành Quy chế phối hợp giải quyết TCLĐTT, ĐC không đúng quy định pháp luật LĐ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Bổ nhiệm 07 hòa giải viên LĐ và miễn nhiệm 01 hòa giải LĐ; Phối hợp cùng các ngành kịp thời giải quyết các vụ tranh chấp LĐ, đình lãn công;...
Trong dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã có sự quan tâm đến chế độ lương, thưởng Tết cho người LĐ, cụ thể: 1.635 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của các doanh nghiệp từ 5.200.000-7.300.000 đồng/người; 100% doanh nghiệp đã thanh toán tiền lương tháng 01/2018 cho công nhân LĐ. Trong thời gian Tết, có 10 doanh nghiệp tổ chức hoạt động với 650 người LĐ; đồng thời thực hiện các báo cáo về lĩnh vực tiền lương và tham gia góp ý các văn bản theo yêu cầu.
Với những giải pháp đồng bộ, theo thống kê, từ ngày 01/01/2018 - 24/10/2018 xảy ra 26 vụ TCLĐTT - ĐC với 7.992 người tham gia. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 29 vụ (giảm 52,7%) và giảm 15.152 người tham gia (giảm 65,5%). Các vụ tranh chấp lao động tập thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (từ 01 đến 02 ngày).
          Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương tập trung đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:   
 - Tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển quan hệ LĐ trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn II (2016-2020) và Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người LĐ và người sử dụng LĐ trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017 -2021.
- Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động: nâng cao chất lượng việc điều tra, dự báo về thông tin thị trường lao động; thực hiện kết nối giữa người lao động tìm việc và doanh nghiệp tuyển dụng: tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp; sàn giao dịch việc làm; hệ thống dữ liệu người tìm việc, việc tìm người; tư vấn qua Email, facebook, skype, …
- Thực hiện các Dự án, đề án, chương trình phát triển thị trường lao động và việc làm năm 2019 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020.
- Nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp; thực hiện việc kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách để xã hội hóa công tác giáo dục nghề nghiệp.
- Nghiên cứu khoa học: phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng 02 đề án khoa học – xã hội: đề án “Thị trường lao động tỉnh Bình Dương: thực trạng, giải pháp giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” và đề án “Đảm bảo nguồn lao động có tay nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 -2020 và đến năm 2025”.
- Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động – việc làm của doanh nghiệp; phối hợp Liên đoàn LĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cơ sở nắm bắt và thông tin kịp thời việc sa thải LĐ không đúng quy định pháp luật để có giải pháp kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

     Lê Minh Quốc Cường

     Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

 
Từ khóa: