Xã hội
Kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo huyện Kim Sơn
12:13 PM 15/12/2023
(LĐXH) - Theo báo cáo của phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1.936 hộ, chiếm tỉ lệ 3,42% - giảm 0,8% so cuối năm 2021; hộ cận nghèo là 2.226 hộ, chiếm tỉ lệ 3,94% - giảm 0,77%. Những năm qua, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Kim Sơn đã xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu quan trọng cần được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó góp phần đưa huyện Kim Sơn về đích nông thôn mới năm 2023.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, các địa phương trong huyện Kim Sơn đã tích cực lồng ghép chương trình giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, tăng thu nhập cho người nghèo, tạo điều kiện để hộ nghèo được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, giải quyết việc làm… Bên cạnh đó, việc tạo cần câu cho hộ nghèo luôn được các địa phương trên địa bàn chú trọng thực hiện, coi đó là giải pháp giảm nghèo bền vững. Đối với những hộ nghèo trong tuổi lao động, các địa phương trong huyện đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hướng dẫn cách sản xuất với mô hình phù hợp như chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề thủ công đẻ có nguồn thu nhập ổn định.
Gia đình anh Tiến, chị Phương bên ruộng rau sắp vào đợt thu hoạch
Sinh ra trong gia đình nông dân thuần túy, vợ chồng anh Phạm Văn Tiến và chị Lưu Thị Phương, trú tại thôn Đường 10 Tây, xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được bố mẹ cho ra riêng để ổn định kinh tế. Năm 2017, chẳng may con đầu của gia đình bị chết đuối, tiếp đó, năm 2020, anh Tiến bị tai nạn, gia đình khó khăn chồng khó khăn do chị Phương không có công ăn việc làm ổn định. Cuối năm 2022, sau khi rà soát hộ nghèo tại thôn Đường 10 Tây, gia đình anh chị được đưa vào diện hộ nghèo của huyện. Chia sẻ với phóng viên, chị Lưu Thị Phương cho biết: “Năm 2021, gia đình tôi được ngân hàng chính sách xã hội huyện Kim Sơn hỗ trợ vay vốn thuộc đối tượng hộ nghèo để làm VAC với tổng số vốn vay 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tôi đã huy động thêm từ anh, em trong gia đình thêm mỗi nơi một ít để đầu tư học hỏi thêm những phương pháp làm kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Được UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể trên huyện tạo điều kiện tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản, kỹ thuật chăn nuôi và trồng đào, trồng cây dược liệu đưa vào áp dụng những khoa học tiên tiến đưa các giống cây trồng có hiệu quả vào sản xuất, tiêu thụ đúng mùa vụ. Tôi đã áp dụng vào trồng cây dược liệu (cây bạch chỉ, cây ngưu tất).., cây ăn quả (cây bòng, ổi), cây đào cảnh với diện tích vườn 1.800 m2 và chăn nuôi thêm 50 con lợn thịt, 20 con lợn nái. Cùng với đó, mở rộng thêm diện tích nuôi trồng thủy sản với 720m2  nuôi cá; nuôi vịt thương phẩm 500 con...”.
Anh Tiến bên mảnh đất của gia đình
Bằng những kinh nghiệm được học hỏi và tiếp thu qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, gia đình anh Tiến, chị Phương đã từng bước phát triển theo từng năm, mang lại hiệu hiệu quả kinh tế từ việc phát triển các mô hình VAC với tổng thu nhập mỗi năm được 700-750 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản  chi phí, nhân công lao động, thu nhập của gia đình còn lại 250 -300 triệu đồng/năm.
Không những thành công trong mô hình phát triển VAC, gia đình anh chị cũng tuyên truyền, vận động các gia đình khác trong xã cùng học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ xóm giềng mở rộng mô hình VAC tạo thu nhập kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nhỏ bé để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
“Hàng năm đã có nhiều gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đến gia đình tôi thăm mô hình VAC, cũng như áp dụng các khoa học kỹ thuật đưa vào thực tế để từng bước giúp nhau thoát nghèo bền vững, năm 2022 có 5 hộ gia đình trong xã thoát nghèo bằng chính sức lực phấn đấu của bản thân gia đình họ đã đem lại thu nhập kinh tế bình quân 3,5-4 triệu đồng/người với tổng thu nhập trên 40 triệu đồng/năm thông qua các mô hình trồng cây dược liệu, nuôi cá, nuôi vịt…”, chị Phương phấn khởi cho biết.
Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có 232 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn với tổng kinh phí gần 3,7 tỷ đồng. Với các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả rõ nét nhất trong công tác giảm nghèo của huyện Kim Sơn đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm. Ngoài ra, tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,73%, giảm 0,69% so với năm 2022 (riêng tỷ lệ hộ nghèo trong độ tuổi lao động chỉ còn dưới 1,5%); góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nói riêng và của tỉnh Ninh Bình nói chung.
Khánh Quyên
Từ khóa: