Lao động
Khánh Hòa thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động
05:01 PM 22/07/2019
(LĐXH)-Trong năm 2019, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.600 người. Để đạt được những mục tiêu trên, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ và đồng bộ các chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo quy định của Luật Việc làm và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn vệ sinh lao động; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những hoạt động trọng tâm của 4 đề án về hỗ trợ, giải quyết việc làm.
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách địa phương để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo cơ chế vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm…
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp tại sàn giao dịch việc làm
Trong 2 năm gần đây, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có sự mất cân đối về cung - cầu lao động. Rõ thấy nhất là ở nhóm ngành: du lịch - nhà hàng - khách sạn, marketing - kinh doanh - thương mại, nhóm ngành sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm luôn thiếu hụt lao động khá lớn, khoảng 21.000 người. Nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển dụng trong khi nguồn cung lao động trong tỉnh hạn chế đã dẫn đến sự thiếu hụt về lao động.
Theo đó, trong năm 2019, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm.
Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm trong năm 2019. Theo đó, mỗi tháng, đơn vị sẽ mở 2 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương. Tại các phiên giao dịch này, các DN sẽ được gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn trực tiếp người lao động, từ đó 2 bên đưa ra quyết định. Để thu hút lao động đến với phiên giao dịch, đơn vị sẽ thông báo đến cấp xã, các hội, đoàn thể và nhắn tin qua điện thoại. Đồng thời, trung tâm sẽ gắn kết với các cơ sở đào tạo nghề để tư vấn, giới thiệu lao động đã qua đào tạo nghề cho các DN. Tất cả nhằm kết nối; tạo thuận lợi cho DN tuyển được lao động và người lao động tìm được việc làm phù hợp.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa), trong quý II/2019, hơn 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.500 lao động, trong đó trình độ đại học chiếm gần 8%, trình độ cao đẳng tương đương 14,6%. Trung tâm tiếp nhận gần 1.300 người lao động đăng ký có nhu cầu tìm việc làm. Dự báo trong quý III, nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh cần khoảng 2.900 lao động; tập trung chủ yếu ở các ngành: kinh doanh - thương mại, du lịch - nhà hàng - khách sạn, dệt may - da giày, chế biến thủy sản, công nghệ thực phẩm.
Các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động thuộc lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, chế biến hải sản, kỹ sư, kỹ thuật, cơ khí… với mức lương khởi điểm từ 4 đến hơn 20 triệu đồng/tháng (tùy vị trí công việc). Các doanh nghiệp tuyển cả lao động phổ thông đến tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp.
Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết thêm, ngày 24-8-2019 tới, đơn vị sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm sinh hoạt chính trị - văn hóa TP. Cam Ranh (số 1 đường Phạm Văn Đồng, TP. Cam Ranh). Tại phiên giao dịch sẽ có 14 doanh nghiệp tham gia trực tiếp tuyển hơn 1.500 lao động ở nhiều vị trí việc làm. Đây là cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho người lao động trên địa bàn TP. Cam Ranh và các địa phương lân cận.
Riêng đối với huyện Khánh Vĩnh – địa phương đang xây dựng Cụm Công nghiệp Sông Cầu, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, khi Cụm Công nghiệp Sông Cầu này đi vào hoạt động, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và Ban Quản lý Cụm Công nghiệp Sông Cầu tăng cường tuyển dụng, ưu tiên giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường là người huyện Khánh Vĩnh, nhất là sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số.
Khánh Vĩnh là một trong hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa với số dân gần 40 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 73%. Theo thông tin từ UBND huyện miền núi Khánh Vĩnh, qua rà soát, thống kê, huyện còn khoảng 200 sinh viên không thuộc hệ cử tuyển, tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có việc làm, trong đó có 140 sinh viên là người dân tộc thiểu số.
Đối với các sinh viên là người huyện Khánh Vĩnh nói chung, người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, tỉnh Khánh Hòa và huyện Khánh Vĩnh luôn quan tâm hỗ trợ tạo việc làm thông qua các chính sách như: hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ thông tin thị trường lao động và tư vấn giới thiệu việc làm thông qua việc cung cấp bản tin thị trường lao động đến các xã hàng quý và hoạt động của mạng lưới cộng tác viên tư vấn, giới thiệu việc làm cấp xã. Tuy nhiên, tỉnh mới giải quyết được một phần việc làm đối với các sinh viên có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Số còn lại do không có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp nên chưa có việc làm.
Với các sinh viên cử tuyển, theo báo cáo của UBND huyện Khánh Vĩnh, gần đây, huyện đã bố trí công tác cho 10 sinh viên sau khi tốt nghiệp công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện. Số sinh viên cử tuyển còn lại chưa ra trường là 13 em.
Bên cạnh việc điều tiết thị trường lao động với nguồn nhân lực hiện có trong tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nghiên cứu các giải pháp thu hút nguồn lao động ngoài tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ lao động di cư, phối hợp với các tỉnh lân cận đề xuất giải pháp về liên kết vùng phát triển nguồn nhân lực phù hợp với mỗi địa phương.
Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc thông tin thị trường lao động như: sử dụng dịch vụ nhắn tin việc làm cho NLĐ qua điện thoại; phổ biến thông tin tuyển dụng trên trang mạng xã hội; phối hợp với các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp; tổ chức nhiều hình thức giao dịch việc làm; phát huy chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tại doanh nghiệp./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa: