Thời sự
Khó khăn và những định hướng trong công tác phân luồng học sinh cho dạy nghề
10:32 AM 30/05/2019
(LĐXH) - Theo số liệu thông kê chưa đầy đủ thì: “Học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tăng từ 5% ở thời điểm năm 2014 lên hơn 10% vào năm 2018…”. Tuy nhiên để tỷ lệ tương ứng này lần lượt là 30% vào năm 2020 và 40% năm 2025 cần những định hướng cụ thể…
Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác phân luồng sau khi tốt nghiệp để tiếp tục học nghề
Có một thực tế là số lượng học sinh muốn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS không phải là hiếm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), ở độ tuổi 15-16, đa số học sinh (kể cà thành phố cũng như vùng xâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số) chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên công tác tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đối tượng này phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của phụ huynh. Thế nhưng, phần lớn cha mẹ vẫn có tâm lý mong muốn con, em mình học cao đẳng hay đại học. Cùng với đó, công tác phân luồng học sinh sau khi học xong THCS vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa được các ngành, địa phương triển khai bài bản, khoa học. Dự báo về cung – cầu sử dụng lao động chưa theo sát thực tiễn, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Đây cũng là những nguyên nhân khiến việc phân luồng học sinh sau THCS khó đạt mục tiêu.
Một thế mạnh không phải bàn cãi là người lao động học nghề sớm sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, tăng khả năng tự lập, dễ tìm việc làm… Do vậy, nhằm động viên, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS học nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện chính sách miễn học phí với đối tượng này ở bậc trung cấp. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương yêu cầu hệ thống giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS; thí điểm chương trình đào tạo 9+. Tức là, học sinh học hết lớp 9 có quyền lựa chọn học các lớp dạy nghề ngắn hạn hoặc học chương trình 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 theo quy định tám bậc trình độ quốc gia. Nói như đồng chí Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì: “Với các mô hình đào tạo linh hoạt, sau một vài năm học, người học có thể nhận bằng trung cấp, cao đẳng nghề. Khi đi làm, họ có thể học tiếp đại học (nếu cần). Nói cách khác, cánh cửa cho học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề luôn rộng mở…”.
Cần tiếp tục có những cơ chế chính sách cho công tác phân luồng học sinh
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện thí điểm mô hình đào tạo 9+ bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Tại cuộc Hội thảo liên quan đến vẫn đề này, nhiều lãnh đạo của các trường cao đẳng nghề cùng chung một nhận xét: “Những năm đầu triển khai, số lượng học sinh đăng ký học chương trình 9+ chỉ có vài chục học sinh, đến năm học 2018-2019, con số này đã tăng lên khoảng 10 lần và có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm học tiếp theo…”.
Trong thời gian tới, ngoài những nghiên cứu, hoạch định chiến lược của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này cũng như những chỉ đạo bằng các Nghị định, Quyết định, Thông tư của cấp Trung ương thì tại các địa phương cơ sở cần chủ động rà soát, sắp xếp cơ sở GDNN và tổ chức quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đồng thời, các cấp, các ngành và địa phương cần chủ động chỉ đạo việc thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia đào tạo nghề nghiệp, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định./.
 NHB
 
Từ khóa: