Xã hội
Kiên Giang thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới
12:32 PM 27/09/2019
(LLĐXH) - Chăm lo quyền và lợi ích hợp phát, chính đáng của phụ nữ về học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, nuôi con, vị thế vai trò của phụ nữ được khẳng định trên các mặt chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội... là những việc luôn được các cấp, các ngành ở Kiên Giang coi trọng và triển khai rộng khắp.
Kiên Giang luôn chú trọng công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
Với mục tiêu, để Luật Bình đẳng giới được triển khai thực hiện có hiệu quả, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan đến công tác BĐG và VSTBCPN. Đặc biệt, trong đó nhiều chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về BĐG, công tác phụ nữ được các ngành, các cấp cụ thể hóa và tiếp tục quan tâm lồng ghép giới trong Chương trình, Kế hoạch theo giai đoạn và hằng năm với các mục tiêu, hoạt động cụ thể. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Ban VSTBCPN các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm được giao tổ chức thực hiện công tác BĐG và VSTBCPN…
Cơ quan tham mưu (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của kế hoạch đề ra, nhất là quan tâm những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện thuận lợi; đến nay đã triển khai rộng rãi từ tỉnh đến cơ sở; các ngành, các cấp và các địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, đặc biệt là lồng ghép các chỉ tiêu về giới vào các chỉ tiêu hoạt động chuyên môn của các ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong lĩnh vực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật  về BĐG và thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 169/2018/NQ9-HĐND ngày 24/7/2018 về Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2018 - 2020. Phê duyệt và ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác BĐG. Kịp thời ban hành các quyết định kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện. Thẩm định 30 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh (12 nghị quyết, 18 quyết định); đóng góp ý kiến 32 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, trong đó góp ý 01 dự thảo Luật có liên quan đến nội dung BĐG…
Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; triển khai thực hiện các mục tiêu BĐG, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, các chính sách liên quan đến phụ nữ. Tổ chức Hội thi Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” tỉnh Kiên Giang lần thứ I/2018 thành công và đạt hiệu quả tuyên truyền sâu rộng; họp mặt biểu dương 30 gia đình tiêu biểu; 02 cuộc sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng đời sống gia đình, chăm sóc sức khỏe và kỹ năng giao tiếp” có 180 hội viên dự; tuyên truyền, phổ biến tài liệu BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được 10 cuộc 673 người dự; 02 cán bộ hội chuyên trách tiếp thu Chỉ thị số 21-CT/TW và tổ chức 01 lớp triển khai đến 93 cán bộ hội cơ sở; 02 cuộc tuyên truyền BĐG và VSTBCPN có 100% cán bộ lãnh đạo quản lý, thành viên Ban VSTBCPN của tòa án nhân dân 2 cấp tham gia. Triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 với hoạt động Tọa đàm “Nâng cao chất lượng cán bộ nữ trong tham gia chính trị”; Lễ phát động cấp tỉnh có 650 người dự; toàn tỉnh có 2.188 cuộc triển khai, phát động, tọa đàm, tập huấn, tuyên truyền ở địa bàn dân cư với 56.484 lượt người dự, 208 lần phát thanh các tin, bài, phóng sự, treo 341 băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, cấp phát 1.549 bản tin sinh hoạt.
Riêng về công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, được Kiên Giang quan tâm, thực hiện nghiêm túc, hiện cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác BĐG ở tỉnh có 410 người. Ban VSTBCPN cấp tỉnh với 22 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đặc biệt, 15/15 huyện, thành phố đều thành lập Ban VSTBCPN cấp huyện (từ 13-19 người/huyện). Ngoài ra, một số sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh có thành lập Ban VSTBCPN của cơ quan (từ 5-7 người) hoạt động phối hợp với tổ chức công đoàn, ban chỉ đạo công tác gia đình và trẻ em…/.
NHB
Từ khóa: