Kon Tum chú trọng phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác tuyên truyền về bảo vệ trẻ em và phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ở Kon Tum ngày càng được chú trọng, hiện 51 xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, duy trì hoạt động truyền thông hiệu quả tại 42 xã có hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, 21 mô hình câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em và nhóm trẻ em nòng cốt…
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên. Dân số toàn tỉnh 552.392 người, dân tộc thiểu số 292.373 người chiếm 53,65%. Trong đó, trẻ em trong độ tuổi dưới 16 tuổi là 198.327 em, chiếm 34,99% so với tổng dân số, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo là 40.124 em.
Do tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn (tính đến cuối năm 2020 hộ nghèo toàn tỉnh là 14.601 hộ, chiếm tỷ lệ 10,29%), khoảng cách chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chính vì vậy, số trẻ em vùng dân tộc thiểu số còn nhiều thiệt thòi chưa tiếp cận nhiều với các dịch vụ xã hội và mục tiêu vui chơi giải trí. Quá trình phát triển các dân tộc trên địa bàn tỉnh không đồng nhất, đa dạng về ngôn ngữ, tâm lý, phong tục tập quán, tín ngưỡng và văn hóa, mặt bằng trình độ dân trí thấp, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn có phong tục, tập quán lạc hậu. Đây là nguyên nhân dẫn đến trẻ em Kon Tum thiệt thòi nhiều hơn so với vùng đồng bằng và đô thị về vấn đề tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin và internet tác động nhiều mặt đến trẻ em. Môi trường sống của các em chưa thực sự đảm bảo, trẻ em sống trong các gia đình có các vấn đề xã hội, cha mẹ bỏ nhau, gia đình có ngươi vi phạm pháp luật, có người nghiện ma túy và các vấn đề xã hội khác dẫn đến trẻ em co nguy cơ bị xâm hại tình dục, nguy cơ vi phạm pháp luật, tảo hôn, lao động sớm; vấn đề tai nạn đuối nước trẻ em vẫn còn xảy ra… Do đó đã tạo ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, làm cho các vấn đề của trẻ em càng diễn biến phức tạp hơn.
Công tác phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được tỉnh Kon Tum quan tâm chú trọng
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kon Tum, trong năm 2021, toàn tỉnh đã cung cấp 12.000 tờ gấp về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng chống đuối nước trẻ em; 12.000 tờ rơi về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em và quảng bá về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; phát hành 160 băng đĩa CD truyền thông, 100 băng rôn các loại; xây dựng 05 phóng sự và 10 tin bài về bảo vệ, chăm soc trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, việc thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chế độ bảo trợ xã hội đã được Kon Tum thực hiện đúng theo các chế độ quy định đối với trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật nặng, nhiễm HIV; các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trương hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh...
Cùng với đó, công tác thu thập thông tin, thiết lập hồ sơ, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được tỉnh thực hiện theo quy trình, đưa vào quản lý trường hợp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch trợ giúp, tham vấn, tư vấn cho gia đình và trẻ em bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, gia đình khó khăn cha mẹ ly hôn hoặc có nguy cơ bỏ học; chú trọng công tác quản lý và giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật và trẻ em chưa ngoan tại cộng đồng.
Tiếp đến, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em cũng được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ. Các nội dung của chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được lồng ghép với các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em và gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Với sự vào cuộc quyết liệt, chung tay của cả cộng đồng, tính đến hết năm 2021, Kon Tum có 51/102 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (đạt 50%). Trong đó, các xã, phường đăng ký xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em và tiếp tục theo dõi thang điểm quy định các tiêu chí về xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, cuối năm thứ 2 và thứ 4 của nhiệm kỳ giai đoạn 5 năm, hoàn thành các thủ tục chấm điểm, đánh giá và công nhận mới các xã, phương, thị trấn phù hợp với trẻ em theo quy trình quy định và duy trì các xã, phương, thị trấn đã đạt được phù hợp với trẻ em qua các năm…
Có thể nói, đến nay, các quyền cơ bản của trẻ em đã được Kon Tum thực hiện rất nghiêm túc, như: quyền khai sinh, được chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ phòng ngừa rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, quyền được tham gia học tập, quyền được phát triển. Đặc biệt, các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, tàn tật được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực...
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48