Ngay từ đầu năm 2018, tại Lai Châu, UBND các huyện, thành phố đã có quyết định giao chỉ tiêu giải quyết việc làm - xuất khẩu lao động cụ thể cho từng xã, phường, thị trấn để thực hiện. Cùng với các chương trình, dự án về việc làm, dạy nghề và giảm nghèo, chương trình cho vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần giảm nghèo, tạo môi trường phát triển sản xuất, kinh doanh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Hằng năm, UBND tỉnh Lai Châu đều đã chỉ đạo Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu tuyên truyền chủ trương, chính sách và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Trong năm 2018, từ nguồn tín dụng ưu đãi, địa phương đã giải quyết cho 6.113 người nghèo vay hỗ trợ ưu đãi với số tiền 233.806 triệu đồng; 1.662 người vay 65.811 triệu đồng giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015; 5.465 người vay 232.565 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ cho hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; 38 lượt được vay 736,85 triệu từ nguồn hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 4.084 lượt người vay 52.764 triệu từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 1.699 hộ cận nghèo vay vốn 70.845 triệu đồng; 369 hộ dân tộc thiểu số được vay 15.096 triệu theo Quyết định 2085/2016.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả những chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước với phát triển kinh kế - xã hội của địa phương đáp ứng nhu cầu chính đáng về nguồn vốn của người nghèo cải thiện điều kiện sống, nhằm giúp người dân có vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Tại các địa phương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội các huyện đều xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác trên cơ sở thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn triển khai việc bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, không để xảy ra hiện tượng vay ké, chiếm dụng nguồn vốn ủy thác; tuyên truyền, vận động và kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích nhằm mang lại hiệu quả cao. Các chi nhánh đều sâu sát việc cử cán bộ xuống từng xã, bản nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về các chương trình vay vốn; kiểm tra, giám sát, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và vận động bà con, thành viên Tổ Tiết kiệm và Vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, chấp hành nghiêm việc trả nợ gốc, lãi đầy đủ đúng theo định kỳ. Bên cạnh đó, chủ động kiểm tra đột xuất ở những địa phương có phát sinh nợ xấu, nợ khoanh tăng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các xã, tổ chức đoàn thể để thực hiện củng cố hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn... Qua hoạt động ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn đưa vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhiều gia đình nông dân giải quyết được vấn đề tài chính cho con ăn học, xây dựng nhà ở khang trang, các công trình sinh hoạt, chất lượng cuộc sống nâng cao.
Đến thời điểm này, có thể nhận thấy vốn chính sách đang hàng ngày ghi những dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu. Thông qua phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế cho các hộ nghèo và gia đình chính sách mà đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ốn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. Cùng với đó là tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức mình, gần dân hơn, sát dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn, năng lực cán bộ hội được nâng lên, hội viên gắn bó hơn với các tổ chức hội. Đồng thời, tổ chức hội có thêm nguồn kinh phí hoạt động và thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình, kế hoạch của hội với chương trình vay vốn tín dụng chính sách.
Theo ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, để nguồn vốn vay cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới thì công tác tuyên truyền các chính sách của Nhà nước nói chung, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tới toàn thể hội viên, đoàn viên là vô cùng quan trọng; nhất là tập trung tuyên truyền các chính sách cho vay mới; làm tốt khâu rà soát nhu cầu vay vốn, xây dựng kế hoạch từ thôn, bản; dự họp bình xét công khai vay vốn với Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đảm bảo đúng đối tượng; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất của Hội đoàn thể cấp tỉnh đối với Hội đoàn thể cơ sở, đặc biệt là kiểm tra sử dụng vốn vay trong 30 ngày đổi mới những món vay mới phát sinh đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, kiểm tra những huyện, xã, tổ vay vốn có nợ quá hạn cao nhằm phát hiện kịp thời những sai sót để có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó là các tổ chức hội nhận ủy thác cần nghiên cứu bố trí lâu dài cán bộ chuyên trách tham mưu, theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo hoạt động uỷ thác cho vay, vì quy mô hoạt động uỷ thác cho vay ngày càng lớn để cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện có hiệu quả việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn./.
Đăng Doanh
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48