Lạng Sơn đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em
(LĐXH)- Thời gian qua, các quyền cơ bản của trẻ em đã được tỉnh Lạng Sơn quan tâm thực hiện rất nghiêm túc. Sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội đã tạo điều kiện cho trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng được chăm sóc trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo môi trường an toàn và lành mạnh để các em có cơ hội phát triển toàn diện.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Tỉnh có 01 thành phố thuộc đô thị loại II và 10 huyện với 200 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 88 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, biên giới.
Dân số toàn tỉnh là 789.600 người. Trong đó có 200.489 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,4% dân số), 79.871 trẻ em dưới 6 tuổi, 2.693 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 38.811 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm: trẻ em sống trong hộ nghèo 19.864, hộ cận nghèo 15.795 trẻ em; 534 trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội (cha, mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS); 367 trẻ em sống trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội (cha, mẹ, người nuôi dưỡng hoặc thành viên gia đình nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm); 403 trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa (trẻ em phải sống xa cả cha và mẹ liên tục từ 6 tháng trở lên); 257 trẻ em sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật (cha, mẹ, người nuôi dưỡng hoặc thành viên gia đình đang trong thời gian chấp hành xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự); 1.315 trẻ em mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ; 276 trẻ em bỏ học (chưa học xong chương trình THCS).
Bên cạnh đó, tính từ ngày 06/5/2021 đến ngày 23/12/2021, Lạng Sơn còn có hơn 10.300 trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (43 F0, 1.054 F1 phải cách ly tập trung, 9.208 F2)…
Tặng quà Tết Trung thu năm 2021 cho các trẻ em tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Lạng Sơn
Chính vì vậy, công tác chỉ đạo, điều hành về công tác trẻ em ở Lạng Sơn được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, Lạng Sơn đã chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em nhằm giúp các em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè trước các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột. Đồng thời, tăng cường hoạt động quản lý, phát hiện, hỗ trợ đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hoạt động hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tập trung thực hiện, nhân rộng các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đưa các nội dung về quyền trẻ em vào Quy ước, hương ước của thôn, bản, khu, khối phố để triển khai, giám sát việc thực hiện, chung tay giải quyết những vấn đề của trẻ em.
Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc, giúp đỡ dưới nhiều hình thức khác nhau, được hưởng trợ cấp thường xuyên; được các tổ chức, cá nhân thăm hỏi, tặng quà, trợ dưỡng, được chăm sóc bởi gia đình thay thế, được tư vấn hỗ trợ pháp lý…
Kết quả, trong năm 2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lạng Sơn đã được Quỹ Bảo trợ trẻ emViệt Nam hỗ trợ cho 7.808 trẻ em được hưởng lợi từ các chương trình, dự án. Trong đó, trao hơn 20 suất học bổng 1 lần cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em con thương binh liệt sĩ học tập khá, giỏi (mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng); 50 suất đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trị giá 500.000 đồng/suất. Chương trình tặng xe đạp đến trường “Chương trình hành trình cuộc sống”, “Quỹ xe đạp chở ước mơ” năm 2021, Lạng Sơn đã có 95 trẻ em các huyện, thành phố được nhận xe đạp của các nhà tài trợ. Chương trình “Gói mỳ hạnh phúc” cho trẻ em khó khăn vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức, đã có 893 trẻ em được thụ hưởng tổng số 808 thùng mì hảo hảo, mì lẩu thái tôm miễn phí trong 03 tháng của năm với kinh phí hơn 77.155.200 đồng. Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ lắp đặt 05 bộ thiết bị vui chơi cho trẻ em ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại 05 huyện: Bắc Sơn,Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, tổng kinh phí 360.000.000 đồng.
Không chỉ vậy, nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và các địa phương đều thành lập các đoàn đến thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khó khăn trên địa bàn và trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh…
Đến nay, trước sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều phong trào, mô hình bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tác động tích cực đến việc thực hiện các quyền của trẻ em. Nhận thức của gia đình và xã hội về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được nâng cao và có sự tham gia tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48