Lao động phi nông nghiệp ở Yên Lập có mức lương đạt 3,5 triệu đồng
(LĐXH)- Xác định mục tiêu giải quyết việc làm đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) đã chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ.
Để hoàn thành các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, hàng năm, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Yên Lập ban hành kế hoạch về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trung tâm dạy nghề tổ chức dạy nghề và đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là phục vụ cụm công nghiệp huyện. Phối hợp với các đơn vị liên quan, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động theo nhu cầu của thị trường; khuyến khích, tạo điều kiện thuận cho người lao động vay vốn phát triển kinh tế và nhân rộng các mô hình kinh tế nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Nhờ vậy, chỉ tính trong năm 2017, Yên Lập có 1.020 lao động được giải quyết việc làm mới, trong đó lao động việc làm ở trong nước là 861 người. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, cụm công nghiệp của huyện đã giải quyết cho 276 lao động với mức lương cam kết từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài ra, số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang ngày càng tăng lên; số gia trại, trang trại trên toàn huyện cũng không ngừng mở rộng về diện tích và quy mô. Riêng hai cụm công nghiệp Lương Sơn và thị trấn Yên Lập hiện nay đang giải quyết cho hơn 2.000 lao động tại chỗ.
Bên cạnh đó, toàn huyện cũng đã mở được 27 lớp đào tạo nghề cho 906 lao động nông thôn, qua đánh giá, 100% học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và kiếm thêm thu nhập từ chính nghề đã học. Cùng với đó, công tác hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường cũng được quan tâm chú trọng, trong đó có hoạt động tuyên truyền định hướng nghề nghiệp ngay từ trong trường học và sau khi tốt nghiệp THPT.
Tiếp đó, để triển khai các giải pháp về giải quyết việc làm, ngay từ đầu năm 2018, huyện Yên Lập đã có kế hoạch phối hớp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại huyện. Thông qua phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối giữa các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động. Qua đó, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận tìm hiểu các chế độ chính sách, pháp luật liên quan đến lao động và việc làm; phỏng vấn, ký hợp đồng lao động; tham gia học nghề, du học và xuất khẩu lao động theo nhu cầu, nguyện vọng và năng lực.
Trong phiên giao dịch việc làm mới đây được tổ chức tại huyện Yên Lập đã có gần 40 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực: dịch vụ - thương mại, sản xuất, xuất khẩu lao động… và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 60.000 vị trí việc làm. Phiên giao dịch thu hút khoảng 2.000 người lao động, học sinh đến tìm hiểu, lựa chọn, đăng ký tìm việc làm và học nghề. Kết thúc phiên giao dịch việc làm, đã có nhiều lao động lựa chọn, ký kết hợp đồng lao động và đăng ký học nghề với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Mặc đù đạt được một số kết quả nhất định, song công tác giải quyết việc làm tại chỗ ở Yên Lập vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi đây là huyện miền núi với 82% dân số là người dân tộc, đa số là lao động phổ thông. Việc giải quyết việc làm cho người lao động chưa tương xứng so với tiềm năng của huyện; nội dung chất lượng các lớp đào tạo nghề vẫn còn hạn chế, chủ yếu là nâng cao kiến thức đã có, chưa dự báo, định hướng ngành nghề mới cho người dân.
Ông Hà Đức Tuấn, Trưởng phòng Lao động – TBXH huyện trao đổi: Năm 2018, huyện Yên Lập sẽ tập trung vào việc định hướng thực hiện công tác điều tra nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp việc làm và phân luồng học sinh cuối cấp THCS và THPT. Yên Lập đã coi hướng nghiệp dạy nghề sẽ là một trong nhũng nhiệm vụ trọng tâm của công tác giải quyết việc làm tại chỗ. Huyện sẽ tăng cường rà soát chương trình, thiết bị dạy nghề, đánh giá đúng chất lượng, hiệu quả dạy nghề. Đồng thời thực hiện tốt chính sách vay vốn, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại huyện; thực hiện hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp làm giàu trên chính quê hương mình.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48