Lao động
Lập Thạch: Nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động
02:48 PM 05/08/2018
(LĐXH) - Thời gian qua, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh phúc) đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.880 lao động, đạt gần 62% kế hoạch năm.
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Lập Thạch đã triển khai Kế hoạch giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tích cực phối hợp với Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh, Công ty cổ phần đào tạo và phát triển nhân lực chi nhánh Hà Nội tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động trực tiếp đến người dân ở tất cả 20 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tập trung vào các đối tượng: bộ đội xuất ngũ, các học sinh trung học phổ thông; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tư vấn học nghề, việc làm, ký thỏa thuận hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho các công ty.
6 tháng đầu năm, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.880 lao động, đạt gần 62% kế hoạch năm
Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.880 lao động, đạt gần 62% kế hoạch năm. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng 980 lao động; nông nghiệp – nông thôn 173 lao động; thương mại – dịch vụ 574 lao động và đưa 153 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 33 hộ được hỗ trợ kinh phí xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 207 của HĐND tỉnh với tổng số tiền 350 triệu đồng; 5 hộ vay vốn xuất khẩu lao động với tổng số tiền 250 triệu đồng.
Xã Hợp Lý là một địa phương có nhiều cách làm hay để tạo việc làm cho người lao động. Thời gian qua, bên cạnh công tác xuất khẩu lao động và cung cấp lao động cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn cũng là vấn đề được chính quyền xã Hợp Lý quan tâm. Từ đó nâng cao tỷ lệ người dân địa phương có việc làm và giúp giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Phát huy lợi thế là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, trên 250ha, người dân xã Hợp Lý đã đầu tư 10 cơ sở chế biến các sản phẩm từ cây trồng lâm nghiệp như: sản xuất ván bóc, làm hương xuất khẩu. Hiện nay các cơ sở này đang tạo việc làm cho trên 200 lao động là người dân địa phương, với mức lương từ 6 đến 8 triệu một tháng. Hiện nay, nhu cầu sử dụng, sản xuất các sản phẩm từ ván bóc ngày càng cao, thậm chí ván bóc còn là một mặt hàng xuất khẩu tiềm năng tại một số thị trường như Malaisia, Đài Loan… là điều kiện thuận lợi để các cơ sở duy trì và mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.
Việc tạo điều kiện trong chính sách, thủ tục hành chính nhằm khuyến khích các chủ cơ sở tìm tòi chế biến những sản phẩm mới, đồng thời mở rộng sản xuất chính là yếu tố quan trọng trong giải quyết việc làm tại chỗ tại xã Hợp Lý. Trên thực tế ngoài những cơ sở ván bóc, địa phương này còn có nhiều cơ sở sản xuất khác như sản xuất tăm hương, sản xuất gạch không nung, phát triển dịch vụ thương mại đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở tại địa phương và một số xã lân cận. Ông Nguyễn Quang Tuyển - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến công tác giải quyết việc làm và có nhiều cơ chế khuyến khích người dân vay vốn, mở rộng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm đảm bảo an sinh xã hội”.
Những nỗ lực trong giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương ở xã Hợp Lý huyện Lập Thạch đã từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thu nhập ổn định lúc nông nhàn, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ nay đến hết năm 2018, huyện Lập Thạch phấn đấu giải quyết việc làm mới cho gần 1.200 lao động. Để đạt mục tiêu này, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm. Đồng thời, thực hiện tốt kế hoạch xuất khẩu lao động năm 2018; tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục, cho người nghèo; tạo cầu nối giữa lao động và doanh nghiệp trong giải quyết việc làm; tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề./.
PV
Từ khóa: