Đại tá Chu Văn Liên (bìa phải) chỉ huy vụ chữa cháy đêm 18-9 tại công ty Nhựa Phú Lâm
Hy sinh giữa thời bình
Đại úy Phạm Huy Long hy sinh lúc 1 giờ sáng ngày 8-9 khi đang cùng đồng đội chữa cháy tại căn nhà số 9, đường 10A, KP3, phường Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Trong lúc nỗ lực phun nước tiếp cận trực diện đám cháy để dập lửa, bất ngờ sàn nhà tầng 1 nơi hiện trường vụ cháy đổ sập, đè lên người khiến anh Long tử vong tại chỗ, hai chiến sĩ Bùi Văn Dũng (20 tuổi) và Phan Tấn Quốc (24 tuổi) bị thương nặng được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Đại úy Phạm Phi Long ra đi để lại cha mẹ già đau yếu, đứa con nhỏ hơn 2 tuổi và người vợ đang mang thai sắp sinh con thứ hai. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Ghi nhận hành động dũng cảm, xả thân vì sự bình yên của nhân dân trong hỏa hoạn, lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh đã làm thủ tục đề nghị Bộ Công an truy thăng quân hàm Đại úy trước niên hạn cho đồng chí Long. Ngày 9-9, Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh đã công bố và trao quyết định truy tặng quân hàm Đại úy trước niên hạn cho đồng chí Long và gia đình. Báo Tuổi trẻ đã trao tặng Đại úy Phạm Phi Long danh hiệu “Bạn đồng hành quanh tôi”- giải thưởng của Báo nhằm tôn vinh những người trẻ có hành động vì cộng đồng.
Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh Lê Tấn Bửu cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Công an và các ngành chức năng truy tặng Huân chương cho Đại úy Phạm Phi Long, đồng thời phát động phong trào học tập gương hy sinh dũng cảm của đồng chí Long trong toàn lực lượng.
Cán bộ chiến sĩ xông vào biển lửa chữa cháy vụ Phú Lâm
Không ngại hiểm nguy cứu người, tài sản
Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, Cảnh sát PCCC là một nghề rất nhân văn song vô cùng nguy hiểm rình rập. Cán bộ chiến sĩ không quản ngại hy sinh, khó khăn gian khổ để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, mang bình yên về cho nhân dân. “Cái nghề mà khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn hiểm nguy, mọi người chạy ra để thoát thân, còn cảnh sát PCCC phải lao vào để “cứu cái còn trong cái đã mất”, Đại tá Nhân nói.
Dù biết hiểm nguy là thế nhưng khi các anh đã lựa chọn thì đều đồng lòng nghìn người như một để chiến đấu chống giặc lửa, dành giật với tử thần, nước lũ, tai nạn hiểm nguy mang lại cuộc sống bình yên cho mỗi người dân Việt. Câu chuyện của Thượng sĩ Nguyễn Đình Trường, Đội CNCH, Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 kể lại vụ cứu nạn, vớt xác nạn nhân lần đầu trong đời đến nay vẫn không thể nào nguôi ngoai hay Thượng úy Lê Văn Nương, Đội CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 vẫn nhớ rất rõ vụ vớt xác chết vào chiều ngày 18-10-2013 tại lòng hồ Trị An cho đến nay dù còn ám ảnh nhưng đưa được xác nạn nhân về với gia đình, các anh đã phần nào thanh thản.
Những cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC xông vào các đám cháy, dầm mình trong mưa lũ, nước chảy xiết để cứu người đã tô thắm hình ảnh đẹp của cảnh sát PCCC trong lòng dân. Thượng úy Lê Văn Nương vẫn không quên cái lần dầm mình bơi trong nước lũ, lẫn phân heo, dây kẽm gai, mắt mèo để cứu 24 người dân Sông Trầu (Trảng Bom) mắc kẹt vì lũ cô lập vào tháng 9-2015. Mới đây cán bộ chiến sĩ Phòng 3 đã băng mình trong lũ, tìm xác nạn nhân bị nước cuốn trôi tại phường Trảng Dài; không quản ngại khó khăn, tìm kiếm đưa xác nạn nhân rơi ở độ sâu 80 mét tại khu vực mỏ đá Hóa An. Đặc biệt trong vụ cháy tại công ty nhựa Phú Lâm (KCN Amata) đêm 18-9 cả gia đình 3 người cùng làm Cảnh sát PCCC của Đại tá Chu Văn Liên, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh và 40 cán bộ chiến sĩ đã thức trắng đêm chỉ huy, trực tiếp chữa cháy, bảo vệ được nhà xưởng màng nhựa với diện tích trên 6000 m2, cùng hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị bên trong nhà xưởng, không để cháy lan....
Chúng ta đang sống trong thời bình song vẫn còn rất nhiều hy sinh, mất mát của cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC khi thực hiện nhiệm vụ. Dẫu biết rằng hiểm nguy có khi phải đánh đổi cả bằng tính mạng nhưng cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ, hoàn thành một cách tốt nhất, có trách nhiệm nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Như một bạn đọc khi chia sẻ trên mạng xã hội về sự hy sinh của Đại úy Long: “Đời người ai cũng sống một lần, anh đã sống một cuộc đời đáng sống. Anh đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, đó là sự hy sinh cao cả mà anh đã hiến dâng cho đời”.
Nguyệt Hà
-
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
11-01-2025 08:31 28
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18
-
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
10-01-2025 11:07 44
-
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
17-12-2024 16:44 28
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
12-12-2024 15:34 57
-
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
30-12-2024 15:09 04