Xã hội
Chuyển biến tích cực về nghề công tác xã hội ở Quảng Ninh
12:24 PM 29/08/2016
(LĐXH) Thực hiện quan điểm: Phát triển kinh tế xã hội phải đồng thời với đảm bảo an sinh xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu với UBND tỉnh tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh
Thực hiện quan điểm: Phát triển kinh tế xã hội phải đồng thời với đảm bảo an sinh xã hội, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu với UBND tỉnh tích cực triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh.
 Công tác xã hội là một nghề mới, vì vậy tỉnh xác định một trong những hoạt động trọng tâm khi thực hiện Đề án 32 là đẩy mạnh công tác truyền thông trên cơ sở phân loại và xác định đối tượng để có nội dung truyền thông cụ thể, với các hình thức truyền thông phù hợp, như: Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), VTC, Báo Quảng Ninh đưa các tin bài, phóng sự tuyên truyền về nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Xây dựng website www.congtacxahoiquangninh.vn để tiếp nhận và cung cấp thông tin trực tuyến trong lĩnh vực công tác xã hội. Thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng như in ấn và phát hành tờ rơi, áp phích,  sách ghi lại những câu chuyện có thật về học sinh có hành vi vi phạm pháp luật; Phát hành  bản tin Công tác xã hội (2 tháng một số) để tuyên truyền về nghề công tác xã hội. Thiết lập tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 để tư vấn, cung cấp thông tin và giải đáp các nội dung liên quan đến các vấn đề xã hội.
Với mục tiêu chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Tiếp đó tỉnh còn phát triển thêm 4 văn phòng công tác xã hội cấp huyện, 9 Văn phòng công tác xã hội cấp xã, 4 Văn phòng công tác xã hội trong trường học và 1 cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn.
Để triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển nghề công tác xã hội, tỉnh rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Trường có chuyên ngành đào tạo về kỹ năng nghề công tác xã hội tổ chức tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ công tác xã hội cho trên 200 cán bộ, viên chức làm công tác xã hội ở các Trung tâm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội của 100 xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh và gần 200 cán bộ y tế làm tại trạm y tế cấp xã. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức tập huấn trong thời gian 3 tháng và cấp chứng chỉ cho 150 cán bộ làm công tác xã hội tại các Trung tâm trực thuộc Sở và cán bộ làm việc tại các huyện và xã trên địa bàn tỉnh; Tập huấn về kỹ năng nghề công tác xã hội cho gần 1 nghìn cộng tác viên cấp xã, phường, thôn, khu trên địa bàn tỉnh.
Về đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, tháng 9 năm 2014, Sở Lao động TB&XH Quảng Ninh đã phối hợp với Trường Đại học Thăng Long - Hà Nội tổ chức tuyển sinh 1 lớp thạc sỹ chuyên ngành công tác xã hội cho 52 học viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các phòng ban, đơn vị thuộc Sở LĐTBXH và 14 học viên thuộc các đơn vị khác. Chương trình đào tạo này do học viên đóng góp 100%.
Về kết quả thực hiện các dịch vụ công tác xã hội, tính từ năm 2011-2015, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tư vấn trực tiếp tại cộng đồng đối với 1812 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tư vấn cho trên 1.000 cha, mẹ (người nuôi dưỡng) trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hơn 1.280 đối tượng yếu thế và gia đình nuôi dưỡng.  Quản lý trường hợp với 950 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; và 1.780 đối tượng yếu thế với tỷ lệ đóng ca khoảng 68%. Tư vấn, hỗ trợ cho 11 nạn nhân bị buôn bán trở về cộng đồng. Kết nối với các cơ quan chức năng hỗ trợ đối với trẻ em bị bỏ rơi, bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo hành; hỗ trợ dinh dưỡng, học tập cho 97 trẻ em mồ côi, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ dễ bị tổn thương.
Nhân viên công tác xã hội chăm sóc người già.

 Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng đã được triển khai thí điểm theo Đề án 647. Thông qua hoạt động triển khai thực hiện mô hình, Trung tâm đã xây dựng được Quy trình chăm nuôi, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và lựa chọn được 30 trẻ được cá nhân, gia đình nhận nuôi có thời hạn, thiết lập được 75 gia đình có kỹ năng, kiến thức chăm nuôi trẻ em và sẵn sàng nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.  
Có thể nói, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh là một mô hình điểm và là một trong những cơ sở thực tiễn để các cơ quan trung ương nghiên cứu gắn thực tế với lý luận trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 32. Trung tâm đã hình thành và từng bước chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội một cách có hệ thống, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề và nhu cầu của xã hội ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Việc thành lập hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cấp cơ sở, tại cộng đồng đã tạo cơ hội cho người dân tiếp cận được kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện hơn với dịch vụ công tác xã hội ở cấp tỉnh. Họat động của mô hình đã cụ thể hóa Quyết định 32 của Chính phủ vào thực tiễn, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, của học sinh và cha mẹ trẻ ngay tại cộng đồng. 
Quang Tuấn
Từ khóa: