Lao động
Nam Định khẩn trương đưa chính sách hỗ trợ đến với người dân
11:32 AM 29/08/2021
(LĐXH)- Ngay sau khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg quy định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, tỉnh Nam Định đã khẩn trương vào cuộc để sớm đưa các chính sách hỗ trợ đến với người thụ hưởng…
Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Trung ương là “chống dịch như chống giặc”, với phương châm “phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng”. Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 02 ca F0 lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, các ca F0 khác chủ yếu từ các địa phương có dịch về và được cách ly ngay khi về tỉnh.
Dịch bệnh tác động tiêu cực tới người lao động
Nam Định là tỉnh có lực lượng lao động khá dồi dào khoảng 1,1 triệu người (tương đương 62% dân số). Trong đó, có khoảng 430.000 lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động, trên 210.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc tính tới thời điểm 31/7/2021 là 4.320 đơn vị, số người tham gia BHXH bắt buộc 199.157 người.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nam Định, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động - việc làm trên địa bàn từng bước phục hồi, ổn định và phát triển. Tỷ lệ lao động thất nghiệp trong khu vực doanh nghiệp giảm 21,5% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Việt Pan-Pacific Nam Định (ảnh TTXVN)
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay (nhất là trong tháng 3/2021) là thời điểm Nam Định có số lao động bị chấm dứt hợp đồng nhiều nhất với 6.800 lao động. Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh đều đã phải cắt giảm lao động do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tính chung trong 7 tháng năm 2021, toàn tỉnh có trên 28.400 lao động làm việc trong các khu vực doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19. Số lượng lao động trong khu vực không có quan hệ lao động tăng 8% (khoảng 32.000 người), gồm: 1.422 lao động làm việc ở ngoài tỉnh, có tham gia BHTN trở về nơi cư trú; trên 30.000 lao động tự do ngoại tỉnh không có việc làm phải về địa phương.
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bị dứt dòng tiền cho kinh doanh, thiếu vốn, thiếu nguồn cung nhiên liệu, buộc phải thu hẹp quy mô lao động. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc ngừng sản xuất. Do đó, rất nhiều lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Khu vực lao động phải chấm dứt nhiều nhất là khu vực người lao động làm thợ may, thêu và các thợ có liên quan, chiếm 64,2% tổng số lao động mất việc làm.
Quyết liệt triển khai Nghị quyết 68
Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định quyết liệt triển khai tới người sử dụng lao động, người lao động trong tỉnh.
Nam Định đã ban hành kịp thời, đầy đủ các Kế hoạch/Quyết định và văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, thực hiện đồng bộ, đầy đủ để người dân, người lao động, doanh nghiệp và cán bộ cơ sở biết, nắm vững và thực hiện.
Kết quả cụ thể, toàn tỉnh đã giảm đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng 7 và tháng 8 năm 2021 với số tiền gần tỷ đồng cho 2.389 đơn vị, tương ứng với 149.728 người lao động. Riêng chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến nay chưa có hồ sơ tạm dừng đóng.
Về chính sách “Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động” và chính sách “Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp”, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Nam Định đã có 04 văn bản triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện niêm yết công khai, tuyên truyền trên Website, facebook của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Tính đến ngày 27/8/2021, Sở chưa nhận được hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động và người lao động.
Đối với chính sách “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mới tiếp nhận 01 hồ sơ của thành phố Nam Định trình đề nghị hỗ trợ 22 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; trong đó có 01 lao động đang mang thai và 15 trẻ em chưa đủ 6 tuổi là con của người lao động.
Chính sách “Hỗ trợ người lao động ngừng việc”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 01 hồ sơ của huyện Ý Yên; thẩm định, trình và UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt 04 lao động ngừng việc và hỗ trợ thêm cho 03 trẻ em chưa đủ 6 tuổi là con của người lao động.
Chính sách “Hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận, thẩm định 357 người; trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt 302 người với kinh phí 453 triệu đồng, (68 người không đủ điều kiện đã có văn bản chuyển cấp huyện xem xét, trong đó có 13 hồ sơ huyện Giao Thủy đã hoàn thiện và trình lại Sở). Đến nay, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt 302 người của 05 đơn vị gồm các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh và Thành phố Nam Định với kinh phí 453 triệu đồng.
Tỉnh đã tiếp nhận 12 hồ sơ đề nghị hỗ trợ hộ kinh doanh. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt 08 hộ kinh doanh với kinh phí đề nghị 24 triệu đồng (những hồ sơ không đủ điều kiện đã có văn bản chuyển cấp huyện xem xét).
Theo báo cáo, Sở Y tế đã tiếp nhận 29 trường hợp là F0, 3.732 trường hợp F1 thực hiện điều trị, cách ly tế theo quy định. Đến nay đã hỗ trợ và chi trả tiền ăn cho 6 F0, kinh phí 18,48 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 873 F1, kinh phí hơn 1,168 tỷ đồng.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận, thẩm định 62 hồ sơ (17 hướng dẫn viên du lịch, 45 viên chức hoạt động nghệ thuật); trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt 10 hướng dẫn viên du lịch (đến nay đã có quyết định phê duyệt 10 người hướng dẫn viên du lịch, kinh phí 37,1 triệu đồng).
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Nam Định đã thẩm định, phê duyệt vốn vay trả lương ngừng việc cho 04 đơn vị; trong đó đã giải ngân cho 02 đơn vị với 31 người lao động trong 3 tháng với kinh phí 364,56 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nam Định, đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, tính đến ngày 27/8/2021, mới có 6/10 huyện, thành phố (40/226 xã, phường, thị trấn) trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ lao động tự do theo Quyết định 30/2021/QĐ-UBND ngày 20/7/2021; mới có 02/10 huyện, thành phố (04/226 xã, phường, thị trấn) trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa triển khai và phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện chính sách “Hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động” theo quy định.

Chí Tâm

Từ khóa: