Pháp luật
Nam thanh niên bị đạp vào đầu trong trận bóng đá phong trào
04:47 PM 21/02/2025
(LĐXH) - Trên trang mạng xã hội đang lan truyền đoạn video bạo lực tại các sân bóng đá phong trào. Những va chạm trên sân cỏ phong trào xảy ra ngày một nhiều và có tính chất nguy hiểm hơn.

Ngày 21/2, một đoạn clip ghi lại vụ việc một nam thanh niên bị đối thủ hành hung trong trận bóng phong trào tại sân bóng Gamuda Khuyến Lương, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.

Trong đoạn video, một thanh niên mặc áo cam đã tấn công đối phương bằng cú đánh cùi chỏ khiến nạn nhân ngã gục xuống sân và tiếp tục đạp lên mặt anh này. Vụ việc không chỉ khiến người xem phẫn nộ mà còn dấy lên câu hỏi về tình trạng bạo lực trong các trận đấu phong trào, nơi mà đáng lẽ ra, thể thao phải là cầu nối đoàn kết, giải trí cho mọi người.

Cộng đồng mạng đang lên tiếng mạnh mẽ, kêu gọi xử lý nghiêm vụ việc để hướng tới một cộng đồng bóng đá văn minh. Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ việc xử lý quyết liệt hành vi bạo lực trong thể thao, nhằm bảo vệ tinh thần fair-play và tạo dựng một môi trường chơi bóng an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người.

Cộng đồng mạng mong muốn xử lý nghiêm vụ việc để hướng tới một cộng đồng bóng đá văn minh.

Chia sẻ với phóng viên, nạn nhân trong clip cho biết: “Lúc ở sân tôi không thấy đau đớn gì, nhưng khi về nhà, vết thương sưng to, tôi cảm thấy chóng mặt và đau đầu. Không ngờ chỉ vì một trận bóng mà lại bị đánh dã man như thế”.

Ngay sau khi vụ việc diễn ra, nạn nhân đã quyết định trình báo sự việc với cơ quan công an, yêu cầu xử lý nghiêm đối với người tấn công mình. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Chuyên gia lên tiếng về vấn nạn bạo lực trong thể thao

Bà Nguyễn Thị Lan, giảng viên Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội, cho rằng: “Bạo lực trong thể thao phong trào đang trở thành một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt. Dù trong các trận đấu không chuyên, tinh thần thể thao vẫn cần được tôn trọng. Các hành vi bạo lực như trong clip là hành động không thể chấp nhận được, bởi nó không chỉ làm tổn thương người chơi mà còn làm xấu hình ảnh của thể thao".

Cũng theo bà Lan, để ngăn ngừa tình trạng này, các sân bóng và tổ chức thể thao cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, bao gồm việc cử trọng tài có kinh nghiệm giám sát trận đấu và khuyến khích tinh thần fair-play.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Huy Thắng, nhận định hành vi của người tấn công trong vụ việc có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Hành vi hành hung người khác trong lúc thi đấu, đặc biệt là những cú đạp vào đầu, có thể bị coi là cố ý gây thương tích. Tùy vào mức độ vết thương, người tấn công có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự về tội 'Cố ý gây thương tích'".

Theo luật sư Thắng, nạn nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi bạo lực này gây ra, đồng thời có thể yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Vẫn cố đạp vào đầu khi nạn nhân đã nằm im chịu trận.

Vụ việc trên là một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng bạo lực trong các hoạt động thể thao không chuyên. Dù là bóng đá phong trào hay các môn thể thao khác, tinh thần thể thao và sự tôn trọng đối thủ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Cần có những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người chơi, cũng như nâng cao ý thức và trách nhiệm của tất cả những người tham gia.

Trịnh Hải