Pháp luật
Phát hiện 30 website giả mạo các sàn thương mại điện tử và đơn vị chuyển phát
11:06 AM 20/02/2025
(LĐXH) - Cơ quan chức năng phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo, trong đó có 30 trang giả danh sàn thương mại điện tử và công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát nổi tiếng.
Cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo. Ảnh minh hoạ

Theo tin từ Trung tâm phát triển thương mại điện tử (Ecomviet) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, trong tháng 1/2025, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo.

Trong số 72 website mới được phát hiện, có 30 trang giả mạo các sàn thương mại điện tử và công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử nổi tiếng như Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao Hàng Nhanh. Ngoài ra, 16 website giả mạo các thương hiệu lớn như Facebook, Telegram, TikTok, VinGroup, Viettel, VNG; 15 website giả mạo các cơ quan, tổ chức nhà nước; và 11 website giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Lũy kế đến nay, số lượng địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức trong cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia đã gần chạm mốc 125.600 địa chỉ.

Những website giả mạo kể trên được các đối tượng sử dụng để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp bị mạo danh.

Trao đổi về những mối nguy lớn về an toàn, an ninh mạng năm 2025 với người dùng cá nhân, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty NCS, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết: “Thiệt hại khổng lồ từ các vụ lừa đảo trực tuyến năm 2024 lên tới 18.900 tỷ đồng. Hai nguy cơ chính mà người dùng sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, đó là mã độc giám sát và đánh cắp thông tin và lừa đảo trực tuyến biến thể".

Theo ông Sơn, thời gian tới, các hình thức lừa đảo sẽ biến thể liên tục; có những hình thức rất tinh vi nhưng cũng có những hình thức rất đơn giản mà vẫn nhiều người mắc phải.Chừng nào người dùng vẫn chưa nâng cao nhận thức, kỹ năng để cảnh giác với những lời mời gọi hấp dẫn trên không gian mạng thì vấn đề lừa đảo trực tuyến vẫn sẽ còn tiếp tục”, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết.

Đại diện Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho rằng, chuyển đổi số tạo thói quen mới cho người dùng là cài đặt rất nhiều phần mềm trên các thiết bị điện thoại, máy tính. Nhiều phần mềm độc hại, có gắn mã độc sẽ trà trộn vào các kho ứng dụng, khiến cho khả năng thiết bị của người dùng bị kiểm soát, theo dõi, đánh cắp thông tin ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, các phần mềm phát triển nóng sẽ luôn tồn tại các lỗ hổng bảo mật, tin tặc có thể thông qua các lỗ hổng này để xâm nhập, kiểm soát thiết bị của người dùng từ xa.

Cơ quan chức năng đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động rà quét, phát hiện sớm các website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình để có cảnh báo sớm đến người dùng, qua đó góp phần ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đồng thời cũng bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức mình.

Phương Hồng

Từ khóa: