Xã hội
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đổi mới công tác cai nghiện ma túy
11:25 AM 14/06/2016

(LĐXH)-Ngày 14⁄6/2016, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đổi mới công tác cai nghiện ma túy". Tham dự, có các đại biểu đại điện của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội các tỉnh: Hà Nội, Nam Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng cùng một số tổ chức phi chính phủ, các cơ quan báo, đài. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.

 

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc hội thảo


Điều trị nghiện ma túy là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi triển khai đồng bộ các giải pháp y tế, tâm lý, xã hội, pháp luật nhưng kết quả rất hạn chế. Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, mô hình điều trị nghiện bắt buộc được nhìn nhận đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội và làm giảm tội phạm liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện vẫn cao, tốn kém, thiếu các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ hội tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện bị hạn chế.

 

Ngày 27/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ- TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 với quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ; điều trị cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Đề án cũng nhấn mạnh quan điểm đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị bắt buộc tại trung tâm theo hướng giảm dần, tiến tới điều trị tự nguyện tại cộng đồng là chủ yếu.

 

Sau 3 năm thực hiện, các địa phương cơ bản đã triển khai thực hiện Đề án. Thực tế đã xuất hiện những mô hình cai nghiện tốt, việc điều trị thay thế bằng methadone được làm rất bài bản, đem lại hiệu qủa rõ rệt, đó là tỷ lệ bỏ được thuốc, không lệ thuộc vào thuốc và trở lại hòa nhập cộng đồng đạt 50%. Tuy nhiên vẫn còn một số nơi còn lúng túng. Có nơi làm được nhiều theo hướng đổi mới của Chính phủ, có nơi chỉ làm một số việc, có nơi chưa rõ dẫn đến việc các trung tâm không còn học viên, cơ sở vật chất lãng phí, nguồn lực con người chưa được sử dụng hiệu quả. Vấn đề đáng bàn là  nhận thức về vấn đề nghiện và việc tổ chức cai nghiện ở một số địa phương vẫn còn nhiều quan niệm, ý kiến cho rằng cai nghiện tại cộng đồng không thể làm được, đối với người nghiện là phải cai nghiện tập trung nên hoạt động cai nghiện ở cộng đồng chưa được quan tâm. Từ đó dẫn đến việc bố trí nguồn lực chưa tương xứng, chỉ đạo chưa quyết liệt.


Để đạt được mục tiêu của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020, Hội thảo đã nêu rõ và chia sẻ đến các đại biểu những vấn đề về bản chất nghiện ma túy, hoạt động dự phòng, điều trị và cai nghiện ma túy; Thực trạng điều trị, cai nghiện ma túy hiện nay và định hướng trong thời gian tới; Một số xu hướng mới trong chính sách kiểm soát ma túy trên thế giới; Cơ chế gây nghiện và vấn đề điều trị nghiện ma túy; Kinh nghiệm tổ chức tư vấn điều trị nghiện ma túy tại Trung tâm tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng; Một số kinh nghiệm và kết quả trong đổi mới công tác cai nghiện ở Nam Định; Kết quả bước đầu trong việc thực hiện mô hình chuyển đổi Trung tâm cai nghiện bắt buộc sang Cơ sở cai nghiện tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kinh nghiệm hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, sống nghị lực của Đội tình nguyện phường Nguyễn Trung Trực; Chương trình hỗ trợ điều trị nghiện ma túy thông qua Tòa Ma túy do ông Kenneth Robertson – Cố vấn điều trị nghiện, Cục quản lý lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần của Hoa Kỳ (SAMHSA)…  Từ những kiến thức, vấn đề được chia sẻ trong hội thảo, các cơ quan, cán bộ và toàn thể  phóng viên báo, đài sẽ có kiến thức sâu hơn, hiểu rõ hơn để truyền tải tốt hơn những nội dung về  đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến cộng đồng.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao vai trò của truyền thông về vấn đề phòng chống, cai nghiện ma túy đã có hiệu quả nhất định, góp phần quan trọng phòng ngừa lạm dụng ma túy, hỗ trợ người nghiện ma túy có cơ hội hòa nhập cộng đồng tốt, giúp lớp người nghiện trẻ mắc mới giảm, số nghiện mới có xu hướng giảm. Vì vậy theo thứ trưởng tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và mọi tâng lớp nhân dân hiểu rõ công tác đổi mới công tác cai nghiện là một yêu cầu rất quan trọng. Thứ trưởng cho rằng cần tập trung vào tuyên truyền tốt, mạnh hơn về: hiểm họa, tác hại của ma túy với cộng đồng; biểu dương những mô hình, con người cụ thể bằng nỗ lực vươn lên thoát nghiện, hòa nhập cộng đồng, những địa phương làm tốt, những mô hình chuyển đổi cai nghiện hiệu quả, đồng thời cần nêu lên những khó khăn của các địa phương đang gặp phải để các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp cùng tháo gỡ./.

 

Mỹ Hạnh

Từ khóa: