Lao động
Ngành than ở Quảng Ninh: Dồn dập xảy ra tai nạn lao động
05:01 PM 22/03/2018
Chỉ chưa đầy 2 tuần trong tháng 3.2018, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã để xảy ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 thợ lò tử vong và 4 trường hợp khác bị thương. Đây được xem như mật độ dày đặc các vụ việc mất an toàn lao động xảy ra sau tết đối với công nhân ngành than.
11 ngày 3 vụ
Trưa thứ 7 (ngày 17.3), ngành than lại tiếp nhận thêm 1 tin xấu. Trong ca 1 tại 1 khu vực làm việc dưới hầm bể lắng - 250 mét (Cty CP than Mông Dương) đã xảy ra vụ mất an toàn lao động (ATLĐ) nghiêm trọng, khiến 1 công nhân thiệt mạng sau đó ít phút. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1984, trú xã Bột Xuyên, Mỹ Đức - Hà Nội), là công nhân sửa chữa điện và vận hành bơm nước. Đau lòng hơn, gia cảnh anh Nam khi nằm xuống để lại vợ và 3 con thơ ở quê. Văn bản báo cáo nhanh về nguyên nhân tai nạn lao động (TNLĐ) được Cty CP than Mông Dương thông báo: Anh Nam được cán bộ chỉ huy giao nhiệm vụ nạo vét tại bể lắng - 250 trung tâm dưới 1 đường lò đã bị xe goòng va đập vào người. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong.
Trước đó 11 ngày, 1 vụ TNLĐ nghiêm trong nữa trong 1 hầm lò của Cty than Nam Mẫu, cướp đi sinh mạng của 1 thợ lò và làm 1 công nhân khách bị thương. Cùng ngày hôm đó, 1 vụ tai nạn do nổ mìn trong hầm lò khiến 3 lao động của Cty than Quang Hanh bị thương và khẩn trương được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh chữa trị. Vụ nổ mìn này, theo 1 thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Quảng Ninh chỉ ra: Nguyên nhân do nhóm công nhân trên tình cờ “chạm” phải mìn câm còn sót lại, dẫn đến mìn kích nổ.
Một vụ tai nạn lao động xảy ra chết người cách đây nhiều năm ở Cty CP than Mông Dương. 
Không chỉ những thợ lò gặp nạn, mà ngay cả cấp quản lý cũng có lúc sao nhãng, khiến tai nạn xảy ra. Vào cuối tháng 1.2018, 1 Phó Quản đốc phân xưởng vận tải ở Cty Tuyển than Cửa Ông cũng gặp phải sự cố sinh mạng đáng tiếc. Trong ca làm việc, khi đi kiểm tra, trường hợp này đã sơ suất đứng vào khu vực băng tải khiến vị cán bộ này bị cuốn vào gầm băng dẫn đến tử vong.
Con số 4 vụ mất an toàn khiến 3 lao động và 4 người khác bị thương trong gần 3 tháng đầu năm so với cùng thời điểm năm 2017 tuy có giảm (thấp hơn 1 vụ và 1 người chết), nhưng với mật độ dày đặc và trong ít ngày nêu trên cũng cảnh báo những lo ngại về mức độ xảy ra mất ATLĐ, sau một thời gian ngắn nghỉ tết.
Phải chăng có sự chủ quan?
Trong năm 2017, công tác ATLĐ đối với ngành than có nhiều chuyển biến tích cực. Cả năm, các đơn vị sản xuất trong tập đoàn này để xảy ra 15 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 16 người và gần chục người khác bị thương. Đây được xem như là năm có số vụ TNLĐ ít nhất và số người chết thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo những số liệu PV Báo Lao Động thu thập được, năm 2016 là năm ngành than chịu nhiều tổn thất về con người và tài sản nhất, khi có trên 20 vụ việc nghiêm trọng làm chết 23 người. Trước những diễn biến mất ATLĐ ở vào thời điểm đó, Chính phủ và các bộ, ngành cùng tỉnh Quảng Ninh đã phải lên tiếng thúc giục ngành than có giải pháp bảo đảm an toàn cho NLĐ.
Trở lại vụ việc mới đây, khi chỉ 11 ngày để xảy ra 3 vụ TNLĐ cho thấy có sự trùng hợp đến lạ kỳ. PV Báo Lao Động lật lại tư liệu các bài viết về công tác ATLĐ của TKV đã đăng tải nhận thấy sự việc khá tương đồng: Trong 2 tuần đầu của tháng 8.2016, ghi nhận 3 vụ việc mất ATLĐ cướp đi sinh mạng của 4 thợ lò. Vụ việc ngày 5.8.2016, làm 2 thợ lò thiệt mạng do tuột móc cáp khiến chiếc xe goòng chở vật tư tại vỉa số 5 - công trường khai thác 6, Cty than Hạ Long); tiếp đó, 1 trường hợp thương tâm khác là công nhân Đinh Xuân Khánh (Cty than Mạo Khê) khi cùng nhóm thợ trong quá trình đào đá dưới nền lò đã cuốc phải mìn còn sót lại gây nổ, khiến công nhân Khánh tử vong và 2 công nhân khác trọng thương; và trường hợp của công nhân Lê Văn Xuân thuộc Cty than Quang Hanh khi đang di giá thủy lực chống lò số 28 thì bị đuôi giá va vào đầu và tử vong.
Xem ra, ở 2 thời điểm khác nhau và sự tương đồng về nguyên nhân mất an toàn là khá rõ. “Điều kiện làm việc dưới các hầm lò khó khăn, chật hẹp nên chỉ cần sơ suất là gây ra tai nạn cho chính mình và đồng đội trong ca” - một lý giải về nguyên nhân gây tai nạn từ ông Đỗ Ngọc Hải - Phó Ban Chính sách pháp luât LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, thành viên đoàn điều tra TNLĐ tỉnh - chỉ ra.
Còn theo đánh giá từ cơ quan quản lý lao động là Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh: Nguyên nhân trực tiếp của phần lớn các vụ TNLĐ là do NLĐ còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa TNLĐ, dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng nghiệp. Ngoài ra, trách nhiệm của người quản lý, sử dụng lao động về công tác tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, huấn luyện ATVSLĐ, tuyên truyền ý thức đối với NLĐ trong 1 thời điểm nào đó còn lơ là.
Theo Lao động
Từ khóa: