Nghệ An huy động được hơn 30 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em khó khăn trong năm 2021
(LĐXH)- Trong năm 2021, toàn tỉnh đã huy động được hơn 30,257 tỷ đồng; trong đó, nguồn vận động xã hội hơn 25,792 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ khuyết tật.
Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết, sau một năm triển khai thực hiện Đề án “Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”, các ngành, các địa phương đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.
Do đó mà các giải pháp được tăng cường, triển khai đồng bộ, phát huy được trách nhiệm, thế mạnh của từng cơ quan, tổ chức tham gia.
Nhờ làm tốt công tác truyền thông, vận động và xây dựng các dự án kêu gọi tài trợ; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các cơ quan có trách nhiệm, trong năm 2021, toàn tỉnh đã huy động được hơn 30,257 tỷ đồng; trong đó, nguồn vận động xã hội hơn 25,792 tỷ đồng, nguồn ngân sách hơn 4,464 tỷ đồng.Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà và lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại chương trình trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Kỳ Sơn (2021)
Nguồn lực trên được sử dụng và triển khai thành nhiều chương trình cụ thể để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ khuyết tật.
Trẻ em ngày càng được gia đình, cộng đồng và toàn xã hội quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Một bộ phận trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn đã được chăm sóc tốt, phát triển hài hoà cả về thể lực và trí tuệ, giúp các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng và phát triển bình đẳng với các trẻ em khác.
Thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, toàn tỉnh đã hỗ trợ 6.476 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng chi phí gần 4,5 tỷ đồng. Trong đó, tổ chức khảo sát, khám và phân loại bệnh cho 3.956 lượt trẻ em; khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 1.358 lượt trẻ em; tổ chức phẫu thuật miễn phí các loại cho 114 trẻ em; hỗ trợ dinh dưỡng cho 1.048 trẻ em.
Thông qua chương trình hỗ trợ giáo dục, toàn tỉnh đã kêu gọi các nhà tài trợ triển khai các hoạt động hỗ trợ cho 14.966 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, các trường thuộc vùng khó khăn trong toàn tỉnh với tổng chi phí hơn 8,7 tỷ đồng. Bao gồm nhiều hoạt động như: cấp học bổng, tặng xe đạp đến trường, xây dựng 26 lớp học cho các trường mầm non, tiểu học và trạm y tế ở vùng khó khăn. Hỗ trợ thiết bị, đồ dùng học tập và xây dựng thư viện thân thiện với hàng chục nghìn trẻ em, học sinh được thụ hưởng.
Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đã hỗ trợ 4.556 lượt trẻ em từ các chương trình với tổng chi phí hơn 1,3 tỷ đồng. Nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm bảo đảm quyền tham gia cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.
Giai đoạn 2022-2025, Hội đồng Bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh phấn đấu huy động trên 93 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em thuộc 76 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có trên 875.800 trẻ em, trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn là 140.387 em, chiếm 16%, bao gồm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: 13.469 em (trong đó có 10.329 trẻ em khuyết tật các loại chiếm tỷ lệ cao 11,7% so với tổng số trẻ em); trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 126.918 em.
Thời gian qua, Nghệ An đã ban hành các chỉ thị, đề án, chương trình và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt quy định pháp luật, các chế độ, chính sách an sinh xã hội, dự án liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh nói riêng; đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từ tỉnh đến cơ sở, cộng tác viên khối, xóm, thôn, bản được củng cố, tăng cường, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh./.
Hồng Minh
Từ khóa:
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55