Hội thảo thu hút hơn 40 đại biểu trong và ngoài nước, thuộc các tổ chức dịch vụ việc làm của các nước châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương, các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, công ty chuyên về hoạt động dịch vụ việc làm...
Hiện nay, xu hướng toàn cầu hoá thị trường lao động và những tác động của kỷ nguyên số đã làm tăng nhu cầu về dữ liệu nghề nghiệp có thể so sánh được trên toàn cầu nhưng vẫn có sự khác biệt về các cách phân loại ngành nghề giữa các nước. Trước thực tế này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, các tổ chức dịch vụ Việc làm Công (PES) cần có cách phân loại càng gần với tiêu chuẩn phân loại nghề quốc tế (ISCO) càng tốt. Việc phân loại nghề được sử dụng cho mục đích thu thập và phổ biến thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như tổng điều tra dân số, điều tra lực lượng lao động và các khảo sát hộ gia đình. Đặc biệt, PES muốn thu thập thêm thông tin mô tả hoặc thông tin đã được mã hóa về nội dung công việc, những kỹ năng cần thiết, cũng như các mối liên kết với khung năng lực quốc gia và những mô tả chi tiết hơn về các nghề. Các loại thông tin này đều phục vụ cho việc hướng dẫn và đào tạo nghề, phát triển các chương trình dạy nghề, dịch vụ việc làm hoặc phân tích các nhu cầu nghề nghiệp cụ thể.
Bà Christine Malecka, Cố vấn cấp cao của Hiệp hội dịch vụ việc làm công thế giới cho rằng, có hàng ngàn nghề nghiệp trên thị trường lao động hiện nay và rất khó để có thể thu thập được hết thông tin của chúng và cũng rất khó để đánh giá kỷ nguyên số ảnh hưởng tới việc làm ở mức độ nào. Vì vậy, việc lựa chọn các nghề phổ biến nhất có thể là cách tiếp cận tốt nhất mà PES có nhiệm vụ phải thực hiện.
Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong kỷ nguyên số đã có tác động to lớn tới thị trường lao động. Các thành tựu mới của khoa học - công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị... Với việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quá trình sản xuất, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông với chi phí thấp ngày càng mất dần lợi thế; sản xuất đang chuyển dịch dần từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và có nhiều thị trường tiêu thụ. Do vậy, việc làm trên thị trường sẽ có nhiều thay đổi, có nghề mất đi nhưng cũng có nhiều nghề mới xuất hiện, tính chất nghề bị thay đổi bởi khoa học công nghệ...
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Thông qua hội thảo, Việt Nam mong muốn được học hỏi được kinh nghiệm của các nước trong việc tổ chức, vận hành hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm để điều tiết thị trường lao động tốt hơn, sẽ có thông tin về những xu hướng việc làm trong kỷ nguyên số làm cơ sở để thiết kế các chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo và tìm việc làm, quản lý di cư và di chuyển lao động, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động.
Mục tiêu của Hội thảo là đưa ra các sáng kiến, giải pháp và chiến lược sáng tạo nhằm giải quyết tốt hơn việc thay đổi nghề nghiệp phổ biến nhất trên thị trường lao động dưới tác động của kỷ nguyên số trong quá trình triển khai các hành động, chương trình và giải pháp phù hợp với người tìm việc và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; Mang lại các ý tưởng về cách giải quyết vấn đề và những thách thức chủ yếu phải đối mặt trong quá trình phát triển này thông qua các bài thuyết trình của đại diện các PES, cũng như các diễn giả đến từ các tổ chức khác về những điển hình tốt trong thực tiễn; Tìm hiểu các phương pháp và những cách làm hiệu quả trong thực tiễn; Cung cấp một diễn đàn và khả năng kết nối cho các thành viên hiện tại của WAPES, các thành viên tiềm năng mới và những nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực lao động và việc làm; Thúc đẩy việc trao đổi với các đối tác tiềm năng để phát triển các sáng kiến trong khu vực.
Hà Giang
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48