Xã hội
Cần có chính sách hỗ trợ đối với những cựu chiến binh
08:22 PM 03/07/2024
(LĐXH) - Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, song Trận đánh tại Quảng trị 81 ngày đêm năm 1972 vẫn để lại những vết thương và nỗi đau cho những cựu chiến binh binh bị sang chấn tấm lý do chiến tranh để lại.
Cựu chiến binh Nguyễn Hoà Bình

Tháng 4 năm 1972, chàng trai thư sinh Nguyễn Hoà Bình (sinh năm 1954) ở 108 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội đang là học sinh lớp 10, trường cấp 3 Tân Trào ở phố Quán Sứ, theo lời kêu gọi của đất nước lên đường tòng quân để bảo vệ Tổ quốc.

Sau thời gian huấn luyện cấp tốc, ông Nguyễn Hoà Bình được điều về chiến đấu ở D1 E 48 F320 Tiểu đoàn Thạch Hãn 1. Lúc đó trận chiến rất ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị, đơn vị ông Bình chiến đấu dũng cảm, nhiều chiến sỹ kiên cường  bám trụ, hy sinh để bảo vệ chốt. Ông Bình và đồng đội đã chiến đấu kiên cường và may mắn sống sót, song ông bị sức ép đạn pháo và bị ảnh hưởng nặng về não nên đến tháng 9 năm 1975 ông Bình được ra quân về Hà Nội. Trở về quê, với quyết tâm của người lính Cụ Hồ, ông tiếp tục đi học bổ túc văn hoá để hoàn thành chương trình cấp 3 phổ thông đang còn giang dở. Nhưng vào thời điểm đó, ông mắc chứng mất ngủ do sang chấn tâm lý luôn miệng nói về những trận pháo kích, thương vong ở chiến trường Quảng Trị. Lúc đầu gia đình không nghĩ ông Bình mắc chứng tâm thần phân liệt, sau này có một đồng đội cùng đơn vị ông Bình cũng có biểu hiện như vậy. Gia đình đã tìm mọi cách đưa ông Bình đi chữa chạy nhưng cũng không thuyên giảm dẫn đến mất khả năng lao động.

Gia đình ông Bình đã nộp hồ sơ lên Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) để xem xét giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia chiến trường tại Quảng Trị. Qua xem xét hồ sơ của ông Nguyễn Hoà Bình, cán bộ Cục Người có công cho biết hồ sơ công nhận đúng đơn vị mà ông Bình tham gia ở Quảng trị. Tuy nhiên, ông Bình không có vết thương trên cơ thể nên không thể giải quyết chế độ cho ông Bình, trường hợp bị sang chấn tâm lý gây nên bệnh tâm thần hiện chưa có chính sách để giải quyết.

Mọi sự mất mát trong chiến tranh là rất lớn, số lượng cựu chiến binh trong Trận đánh Quảng Trị năm 1972 hầu hết đã cao tuổi, vì vậy những cựu chiến binh mong muốn Đảng, Nhà nước cần xem xét có chính sách hỗ trợ đối với những cựu chiến binh bị sang chấn tâm lý, với những vết thương bên trong như trường hợp ông Bình để tri ân những chiến sỹ anh hùng ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Được biết, năm 2011 ông Nguyễn Hoà Bình được trợ cấp 3.800.000đ một lần với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo QĐ 142/2008 QĐTTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng chính phủ . Hiện nay, ông Nguyễn Hoà Bình (đang sống ở Thôn Quán khê – Xã Dương quang – Huyện Gia Lâm – Hà Nội ) chưa được hưởng một chế độ hỗ trợ về chế độ thương bệnh binh nào. 

Tô Xuân Giang