Nhà tạm lánh và nỗi lo bạo lực gia đình
(LĐXH) – Trong khi công tác phát hiện, can thiệp, xử lý vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ) của các cấp, các ngành ở địa phương còn hạn chế, thì mô hình cơ sở tạm lánh đã trở thành nơi cứu cánh tạm thời cho các nạn nhân. Song để tạo thêm bước chuyển biến, giúp các nạn nhân hồi gia cũng như giảm thiểu tình trạng BLGĐ, rất cần thêm nhiều giải pháp và nỗ lực của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội.
Cần “Nhà tạm lánh”
Thực trạng BLGĐ đang diễn ra hết sức phức tạp ở Việt Nam, khiến nhiều gia đình tan nát, không ít người tuyệt vọng tìm đến cái chết, gây ra nhiều hệ lụy lớn trong xã hội.
Là người đầu tiên nghiên cứu về BLGĐ ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1989, GS Lê Thị Quý nhận thấy nhiều hạn chế trong hoạt động phòng chống BLGĐ. Việc chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết mất rất nhiều thời gian, nên cần lắm những địa chỉ tin cậy, giúp các nạn nhân lánh nạn tạm thời, sau đó các cơ quan chức năng và cộng đồng chung tay hỗ trợ. Tìm hiểu ở nhiều nước trên thế giới, GS Quý cho rằng, phương pháp duy nhất hiệu quả là mô hình “Nhà tạm lánh” có sự quản lý của nhà nước. Ngay như nước Đức, vào thời điểm năm 2000, dân số tương đương với Việt Nam, mà có tới 600 “Nhà tạm lánh”. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ có hai cơ sở của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. “Tôi rất trăn trở. Nhưng việc xây dựng “Nhà tạm lánh” hết sức tốn kém và điều kiện kinh tế chưa cho phép. Thứ nữa, nếu là địa chỉ nhiều người biết thì người gây bạo lực sẽ đến phá phách, dư luận đổ lỗi cho người đi tạm lánh, các địa chỉ tạm lánh cũng xa xôi sẽ không có điều kiện giúp đỡ kịp thời các nạn nhân” - GS Lê Thị Quý cho hay.
Để khắc phục hạn chế đó, GS Quý đã nghĩ đến việc dựa vào cộng đồng để giải quyết những điểm chưa hợp lý trong điều kiện nước ta còn quá hiếm hoi cơ sở tạm lánh. Từ năm 2000, bà xin phép lập dự án xây dựng các “Nhà tạm lánh” tại Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định và được chính quyền địa phương, hội phụ nữ các xã, huyện đã phối hợp tốt và tạo hiệu quả cao. Dự án đã “chạm” tới những góc khuất của đời sống và giúp giảm được tình trạng bạo hành. Thậm chí một số trường hợp những người từng bạo hành vợ con, sau này, đã trở thành cộng tác viên tích cực trong công tác phòng, chống BLGĐ.
Tìm hiểu thực tế vài năm qua, một số tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Phước… đã triển khai xây dựng mô hình “Nhà tạm lánh”, “Địa chỉ tin cậy”. Nạn nhân được hỗ trợ về thức ăn, nước uống, tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng giải quyết căng thẳng. Tiếp đó được các ban, ngành tiến hành hòa giải, hồi gia. Đối với trường hợp hòa giải không thành công, cán bộ địa phương cũng sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý để giải quyết ly hôn, giúp nạn nhân tránh khỏi bạo lực. Điển hình ở huyện Ý Yên (Nam Định), đây là nơi triển khai mô hình mà cán bộ địa phương và người dân phối hợp phòng, chống BLGĐ khá thành công. Chị Lê Thị Thiết, người xã Yên Tân từng là nạn nhân, đến nay đã có cuộc sống hạnh phúc. Chẳng là, chồng chị là anh Lê Văn Đông khá hiền lành, nhưng cứ mỗi lần uống rượu say lại đánh đập vợ con không thương tiếc. Sau hai lần chị đến “Nhà tạm lánh” và được hòa giải, kết hợp với sự khuyên răn của trưởng thôn, anh Đông đã không bạo hành vợ con nữa. Chị Thiết tâm sự: “Nếu chồng đánh mà không chạy chỉ có thiệt thân. Tôi và nhiều chị em ở vùng quê này thường tìm đến để tránh đòn. Thấy yên thì về, chứ bỏ làm sao được con. Nếu vợ chồng bỏ nhau thì con cái sẽ khổ lắm!”.
Chính những nạn nhân của BLGĐ cho rằng, việc ra đời các địa chỉ tin cậy, tạm lánh là cực kỳ cần thiết. Bởi đa phần phụ nữ lúc bị đánh đập thường chạy đến nhà cha mẹ đẻ, hoặc nhà hàng xóm. Mà về với cha mẹ đẻ thì thường sẽ bị đưa trả về, còn trốn ở nhà hàng xóm thì khi người chồng sang dọa nạt, sợ mang tiếng lại phải về và tiếp tục chịu đánh đập.
Giải pháp khả thi và nguồn lực xã hội
Sau hơn 10 năm Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực, đáng buồn là hiện vẫn chưa có các giải pháp khả thi để các quy định của luật thật sự đi vào cuộc sống. Nhiều chương trình, dự án, mô hình nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, các cấp, các ngành và toàn cộng đồng về bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ do các cơ quan chức năng thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu thực tế, sự thống nhất dẫn đến hiệu quả chưa cao. Ngay như Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL), quy định các cơ sở “tạm lánh” giúp đỡ nạn nhân BLGĐ không quá ba ngày. Theo một số chuyên gia phân tích, thời gian hỗ trợ như vậy là quá ít, thiếu uyển chuyển, trong khi đó một số cơ sở hỗ trợ lưu trú 15 ngày đến hai tháng, tùy từng trường hợp có thể hỗ trợ giới thiệu việc làm.
Một số chuyên gia cho rằng, cần huy động các nguồn lực bằng việc xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ, cộng đồng tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Những năm qua, tuy đã có sự chung tay, nhưng các nguồn lực còn ít ỏi nên chưa đủ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong thực tế.
Ở TP Hồ Chí Minh, nhóm Open Group hoạt động từ 10-10-2010, do bạn trẻ Phan Thanh Nhàn khởi xướng đã trở thành địa chỉ quen thuộc giúp nhiều nạn nhân. Các nạn nhân được tạm lánh trong khoảng 15 ngày đến hai tháng. Hỗ trợ viên sẽ trực tiếp chăm sóc nạn nhân, lấy thông tin và tìm cách đưa nạn nhân hồi gia an toàn. Tuy nhiên, Chủ nhiệm của Open Group Phan Thanh Nhàn cũng cho biết, hạn chế về nguồn lực dẫn đến việc không thể giúp được nhiều người hơn, trong khi nhu cầu của xã hội là rất lớn.
Theo Thanh Nhàn đề xuất, Nhà nước cần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng “Nhà tạm lánh”, giảm bớt các thủ tục về trình báo để nạn nhân có thể được hỗ trợ nhanh chóng, trực tiếp hơn. Chia sẻ những nỗ lực của các nhóm, câu lạc bộ, các tổ chức xã hội trong giúp đỡ nạn nhân BLGĐ, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng vụ Gia đình (Bộ VH-TT và DL) cho rằng, các cơ sở giúp đỡ nạn nhân cần được ghi nhận và học tập. Đồng thời, các bộ, ngành cùng các địa phương cần thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ.
Cũng phải nhìn nhận, các mô hình “Nhà tạm lánh” chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng hơn, là những biện pháp nâng cao nhận thức trong mỗi gia đình, trong cộng đồng và các cấp chính quyền địa phương để cùng lên án và điều chỉnh các cá nhân thiếu ý thức, cũng như hỗ trợ, bảo vệ kịp thời cho các nạn nhân.
Nguyễn Văn Học
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48