Xã hội
NHCSXH Việt Nam: Tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách
11:09 AM 02/10/2020
(LĐXH) - Ngày 1/10/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015-2020.
Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng; Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH Đỗ Thị Thu Thảo; Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy viên HĐQT NHCSXH Nguyễn Anh Tuấn… đồng chủ trì hội nghị
Đoàn lãnh đạo tham dự và chủ trì Hội nghị
Trong 5 năm qua, NHCSXH và các tổ chức chính trị-xã hội đã tập trung nghiên cứu, xây dựng nội dung ủy thác phù hợp với điều kiện thực tiễn, thường xuyên phối hợp triển khai các giải pháp chỉ đạo đối với các đơn vị trực thuộc, nhờ đó hoạt động ủy thác đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 31-8-2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng chính sách xã hội thực hiện theo phương thức ủy thác thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đạt 220.545 tỷ đồng, chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%. Tổng doanh số cho vay ủy thác trong giai đoạn 2015-2020 đạt 334.061 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng doanh số cho vay của NHCSXH, với gần 6,5 triệu lượt khách hàng còn dư nợ. Qua đó, góp phần tạo sinh kế, cơ hội việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định, phương thức ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội là sáng tạo, phù hợp tôn chỉ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp tính chất chính trị, xã hội của vốn tín dụng chính sách, phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay; qua đó đóng góp tích cực cho phát triển bền vững của NHCSXH, xây dựng tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Phương thức ủy thác này đã khẳng định tính ưu việt riêng có của tín dụng chính sách xã hội.
Là tổ chức có dư nợ cao nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tính đến 31/8/2020, tổng dự nợ của Hội LHPN Việt Nam đạt hơn 85,36 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 33,8 nghìn tỷ đồng so với năm 2014. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,21% (giảm 0,13% so 31-12-2014). Nhìn chung, hoạt động ủy thác với NHCSXH đã trở thành điểm sáng trong thực hiện vai trò là cầu nối nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với phụ nữ nghèo, kiểm soát đồng vốn, hỗ trợ đồng hành để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích góp phần giúp các hộ nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao, nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31-8 còn 0,25%. Vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tải nhanh chóng, thuận lợi đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả với tổng doanh số cho vay ủy thác trong 5 năm qua đạt 334.061 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng doanh số cho vay của NHCSXH, cho hơn 12 triệu lượt khách hàng vay vốn.
Các điểm cầu trự tuyến
Công tác phối hợp giữa NHCSXH và Hội LHPN các cấp ngày càng được củng cố và nâng cao. Định kỳ, hai bên đã tổ chức các cuộc họp giao ban nahwmf thống nhất các giải pháp phù hợp để tổ chức triển khia cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi nhất. Ngoài ra, tại các phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, hai bên đã tích cực bám sát đề xuất, kiến nghị HĐND, UBND các cấp quan tâm, bố trí thêm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay.
Thảo luận của các ngành, các địa phương tại hội nghị khẳng định việc ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội là giải pháp sáng tạo, phù hợp với tôn chỉ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với tính chất chính trị, xã hội của vốn tín dụng chính sách, phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay. Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được khẳng định là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh, bền vững. Đây là cơ sở để hoạt động ủy thác tiếp tục phát huy hiệu quả với dư nợ ủy thác tăng trưởng ổn định, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội. Ngân hàng CSXH Việt Nam đặt mục tiêu trong những năm tới dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 6% - 10%.
Tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư Nguyễn Lam nhấn mạnh, thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị - xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức mình gần dân, sát dân hơn; thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên, làm cho hội viên tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức mình. Phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội và mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ là một kênh dẫn vốn tín dụng hiệu quả mà còn là một cách làm hay, một mô hình sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận thời kỳ đổi mới. Và hiệu quả cao nhất đó chính là góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao và hơn thế nữa, củng cố, tăng cường niềm tin vững chắc của nhân dân vào công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước.

Nam Khánh

 

Từ khóa: