Những nét nổi bật trong công tác lao động, người có công và xã hội tỉnh Yên Bái năm 2023
(LĐXH)- Năm 2023, tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Năm 2023 đã khép lại với tình hình chung còn nhiều khó khăn, thách thức. Với tỉnh miền núi Yên Bái, việc đảm bảo đời sống người dân, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, người lao động bị mất việc làm, đối tượng bảo trợ xã hội là một áp lực không nhỏ đối với chính quyền các cấp và ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái.
Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt cùng nhiều giải pháp, biện pháp linh hoạt, tỉnh Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế phục hồi phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6%, đứng thứ 7/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với đó, công tác an sinh xã hội nói chung, công tác lao động, người có công và xã hội nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực.Đồng chí Ngô Thanh Giang – Giám đốc Sở LĐTB&XH tặng chăn ấm cho trẻ em huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại do thiên tai, tháng 10/2023
Năm 2023, tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Cụ thể:
(1) Đã giải quyết việc làm cho 22.872/19.500 lao động (đạt 117,3% kế hoạch, tăng 2,4% so với năm 2022); đào tạo nghề cho 20.532/18.000 người (đạt 114,1% kế hoạch, tăng 3,7% so với năm 2022); chuyển dịch được 8.093/7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 115,6% kế hoạch, tăng 1,8% so với năm 2022). Hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 67,7%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 36,7%.
(2) Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2023 giảm 3,76% so với năm 2022 (tương đương với giảm 8.221 hộ), cuối 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,16% (tương đương 20.222 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,54% (tương đương 3.347 hộ cận nghèo), cuối năm 2023 tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh còn 3,92% (tương đương 8.658 hộ cận nghèo), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh so với đầu nhiệm kỳ 2016-2020.
(3) Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025, hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa từ 10-20 triệu đồng/hộ cùng với nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để các hộ làm nhà mới được hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà (riêng 02 huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu là 60 triệu đồng/nhà), với tổng số 3.022 hộ được hỗ trợ. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 1.598 hộ nghèo, hộ cận nghèo (làm mới 1.305 nhà, sửa chữa 293 nhà), với tổng kinh phí là 78.905 triệu đồng (hoàn thành kế hoạch 52% cả giai đoạn).
(4) Các chế độ chính sách ưu đãi người có công tiếp tục được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Năm 2023, đã vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 2.855,33 triệu đồng (đạt 105,75% kế hoạch), trong đó: Quỹ cấp tỉnh 917,49 triệu đồng (đạt 114,7% kế hoạch); Quỹ cấp huyện 1.937,84 triệu đồng (đạt 102% kế hoạch); thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho trên 100 hộ người có công và thân nhân liệt sĩ từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và nguồn xã hội hóa. Toàn tỉnh đã trao tặng tổng số 44.021 suất quà nhân dịp ngày lễ, tết, 27/7 cho người có công và thân nhân người có công; kinh phí thực hiện 12.535,49 triệu đồng. Đến nay, trên 98% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
(5) 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một dịch vụ. Kết quả vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em năm 2023: Toàn tỉnh thu được trên 2,875 tỉ đồng (đạt 131% kế hoạch); trong đó Quỹ cấp tỉnh thu được 828 triệu đồng (đạt 207% kế hoạch); Quỹ cấp huyện, cấp xã 2,047 tỉ đồng (đạt 113% kế hoạch). Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ tổng số 5.204 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh, kinh phí hỗ trợ là 2.371.875.000 đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ 2.895 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kinh phí hỗ trợ là 1.224.260.000 đồng.
(6) Các mặt công tác khác cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nổi bật là đã tổ chức 07 sự kiện truyền thông Bình đẳng giới "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới" hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, thu hút trên 2.800 người tham dự.
Người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội được tỉnh quan tâm, chăm lo chu đáo, trong đó thực hiện quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 144 đối tượng bảo trợ tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội; 31.711 đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT theo quy định. Kinh phí thực hiện chi trả trợ cấp xã hội năm 2023 trên 189,2 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho 257 cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại về người và nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn rủi ro bất khả kháng với tổng kinh phí 7.056 triệu đồng. Cùng với đó, 91,4% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện.
Có được kết quả như trên là do tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất và nhất quán từ tỉnh tới địa phương; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể trong công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội; coi trọng người dân và chăm lo cho người dân trong mọi hoàn cảnh. Có sự vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhất là cơ sở trong việc đảm bảo an sinh xã hội; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng, các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc thực hiện các chính sách cùng với việc cổ vũ, hỗ trợ thúc đẩy sự phấn đấu, tự vươn lên của các đối tượng chính sách, đặc biệt là cổ vũ người nghèo phát huy nội lực, tích cực vươn lên và mong muốn thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được tỉnh Yên Bái cũng đang gặp phải các khó khăn thách thức mang tính đặc thù của tỉnh miền núi, dân tộc, kinh tế-xã hội còn chậm phát triển như: Nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc kết nối, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn khó khăn với thị trường việc làm, thị trường hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tham gia liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm đầu ra… còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo tuy đã cải thiện nhiều bậc so với nhiệm kỳ trước, song một bộ phận hộ nghèo vẫn có nguy cơ rơi vào tái nghèo, nhất là các hộ ở vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, sau các đợt thiên tai dịch bệnh, hoặc một bộ phận người nghèo còn chưa quyết tâm thoát nghèo, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Một số chỉ tiêu trong năm 2024 được đề ra là: Giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp: 7.000 người. Tuyển mới đào tạo nghề: 18.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 38,4%. Về chỉ tiêu giảm nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 4,1%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm trước 3,3%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm so với năm trước: 0,8%.
Vận động “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa" toàn tỉnh đạt từ 2,7 tỷ đồng trở lên, trong đó quỹ cấp tỉnh đạt 800 triệu đồng. Vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em toàn tỉnh đạt từ 2,2 tỷ đồng trở lên, trong đó quỹ cấp tỉnh đạt 450 triệu đồng. 100% xã, phường đăng ký đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Sở.
Năm 2024, ngành LĐTB&XH Yên Bái sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới; hỗ trợ kịp thời lương thực, nhà ở, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, không bỏ sót đối tượng; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp công tác lao động, người có công và xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tạo việc làm bền vững cho người lao động, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.
Bên cạnh đó, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của HĐND, UBND, UBMTTQ trong việc bố trí nguồn lực và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành LĐTB&XH. Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến chính sách của ngành, làm tốt các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện tinh giản bộ máy biên chế, xác định đúng vị trí việc làm của cán bộ công chức viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo đủ, kịp thời các nguồn kinh phí cho các hoạt động chung của toàn ngành; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm./.
Hồng Minh
Từ khóa:
-
Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
18-09-2024 16:31 00
-
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
17-09-2024 16:07 39
-
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng quà đối tượng chính sách bị ảnh hưởng do bão số 3 tại Thái Bình
14-09-2024 12:42 26
-
Đường phố Hà Nội ngổn ngang cây đổ sau bão số 3
08-09-2024 09:58 24
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Các đơn vị trực thuộc Bộ đã phát huy tính dân chủ
06-09-2024 16:37 08
-
Hơn 30.500 lượt người vào Lăng viếng Bác trong Ngày Quốc khánh
03-09-2024 09:47 45
English Review
MoLISA strengthens cooperation with Germany in vocational education
English Review | 18-09-2024 10:15 55