Hơn chục ngày nay, chị Bùi Thị Nụ, công nhân Công ty May Khánh Thành, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) phải nghỉ việc do Công ty thiếu đơn hàng. Cuộc sống bỗng chốc trở nên khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chị Nụ cho biết: công nhân may đồng lương vốn không cao, nhưng cũng đảm bảo được mức sống ổn định tối thiểu cho bao nhiêu lao động như tôi. Từ khi có dịch bệnh bùng phát, Công ty bị ảnh hưởng khá nhiều vì thiếu đơn hàng.
Tôi biết, Công ty cũng đã cố gắng để đảm bảo việc làm cho chúng tôi bằng các hoạt động cụ thể, tùy từng mức độ tình hình như: Công ty cho giãn việc, nghỉ luân phiên, giải quyết nghỉ phép… và bây giờ thì hàng trăm lao động của Công ty phải nghỉ việc. Tình thế không mong muốn này đến đột xuất, vì vậy chúng tôi rất lo lắng cho cuộc sống hiện tại trước mắt. Thu nhập của cả gia đình dựa cả vào đồng lương công nhân, giờ nghỉ việc rồi tôi không biết cuộc sống sẽ như thế nào nữa.
Trong tổng số 8 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Công ty TNHH Giày Athena đứng chân ở thôn Đông Đoài, xã Yên Lâm là đơn vị sử dụng nhiều lao động nhất, với trên 6 nghìn lao động.
Nhưng hiện nay, tình hình sản xuất trở nên khó khăn hơn nhiều, vì thế mà đã có gần 2 nghìn lao động phải nghỉ việc, Công ty hỗ trợ 1 tháng lương theo hợp đồng lao động. Chị Lê Thị Mùi (quê ở tỉnh Thanh Hóa, một lao động vừa nghỉ việc tại Công ty TNHH Giày Athena, đã làm việc ở Công ty cũng được hơn 2 năm và đã xác định sẽ gắn bó lâu dài với công việc này.
Tuy nhiên, nay trở nên thất nghiệp, chị Mùi tỏ ra lo lắng cho cuộc sống trước mắt. “Thời đại công nghiệp hóa, có nhiều công ty được thành lập, đi vào hoạt động với đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực thì cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động không khó. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, khi mà dịch bệnh được khống chế và chấm dứt hoàn toàn.
Còn hiện tại, chúng tôi rất lo lắng vì cuộc sống đang tạm ổn định đã bị xáo trộn nhiều. Không đi làm, không có thu nhập, tôi vẫn phải trang trải cuộc sống với bao lo toan về tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống…”- chị Mùi thở dài.
Những câu chuyện như chị Nụ, chị Mùi không phải hiếm gặp ở thời điểm hiện tại nữa. Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 9/4/2020, đã có 231 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 (Nho Quan có 84 doanh nghiệp, Gia Viễn 18 doanh nghiệp, Hoa Lư 16 doanh nghiệp, thành phố Ninh Bình 36 doanh nghiệp, thành phố Tam Điệp 17 doanh nghiệp, Yên Khánh 16 doanh nghiệp; Yên Mô 8 doanh nghiệp, Kim Sơn 36 doanh nghiệp).
Trong số doanh nghiệp thực hiện báo cáo đó thì có 108 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, huyện Nho Quan: 8 doanh nghiệp, Gia Viễn 13 doanh nghiệp, Hoa Lư 11 doanh nghiệp, thành phố Ninh Bình 27 doanh nghiệp, thành phố Tam Điệp 12 doanh nghiệp, Yên Khánh 15 doanh nghiệp, Yên Mô 7 doanh nghiệp, Kim Sơn 15 doanh nghiệp.
Theo báo cáo của 108 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguyên nhân ảnh hưởng phần lớn là do gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất; thị trường tiêu thụ sản phẩm; thiếu chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài…
Do khó khăn chưa được tháo gỡ, hiện tại đã có 16 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc ngừng sản xuất; 1 doanh nghiệp thiếu vật liệu, thiếu thị trường lao động và phải thay đổi sản xuất, kinh doanh và nhiều doanh nghiệp khác phải thu hẹp sản xuất. Hệ quả tất yếu, đã có trên 19 nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi khó khăn khó gỡ của doanh nghiệp, trong đó có trên 4 nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, trên 4 nghìn lao động phải ngừng việc; gần 11 nghìn lao động làm cầm chừng, không đủ công…
Cần những giải pháp hỗ trợ cụ thể
Theo đánh giá từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trước khi đi đến việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, đa số các doanh nghiệp đều đã “xoay sở” đủ kiểu để cố gắng duy trì sản xuất nhằm giữ chân người lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp tình thế như: Thực hiện luân phiên bố trí cho người lao động nghỉ phép hưởng nguyên lương trong thời gian có dịch; bố trí cho người lao động sản xuất cầm chừng, cho người lao động ngừng việc và trả lương trong thời gian ngừng việc (theo mức lương cơ bản hoặc trả từ 50-80% mức lương cơ bản)… cuối cùng, là giải pháp tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Nhiều doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình phải cắt giảm bớt lao động trước dịch Covid-19
Đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại 22 doanh nghiệp và nắm tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đa số, các doanh nghiệp đều cho rằng, việc phải “cắt giảm” bớt người lao động ở thời điểm này là một lựa chọn khó khăn, nhưng không còn cách nào khác. Bởi hiện tại không có đơn hàng để sản xuất thì doanh nghiệp cũng không thể chăm lo, đảm bảo việc làm cho người lao động được.
Lao động bị nghỉ việc cũng đồng nghĩa với việc khi bước vào thời kỳ “hậu dịch bệnh”, tình hình sản xuất đã ổn định trở lại, Công ty sẽ lại phải đối mặt với bài toán khó đó là thiếu lao động, trong khi việc tìm tuyển lao động ngày càng trở nên khó khăn…
Cũng qua các buổi làm việc với doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp đều mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ bằng các hình thức cụ thể như: Tạm dừng đóng BHXH, giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do phải chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những mong muốn của doanh nghiệp đã được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp và gửi đến các ngành có liên quan để giải quyết theo thẩm quyền.
Một tin vui đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, là cùng với các đối tượng khác như người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, các hộ kinh doanh cá thể…., thì người lao động bị giãn việc, mất việc làm cũng sẽ được Chính phủ hỗ trợ trong thời gian tối đa 3 tháng để ứng phó với dịch Covid-19. Mức hỗ trợ dự kiến sẽ là 1,8 triệu đồng/người/tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thực sự là cứu cánh cho nhiều lao động bị mất việc ở thời điểm hiện nay. Xác định rõ tầm quan trọng của gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội này, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì công tác rà soát các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Du lịch, Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai rà soát, lập danh sách cụ thể các đối tượng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19 được Chính phủ dự kiến hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh như: các doanh nghiệp, các đối tượng lao động, người có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế khác…để chủ động, kịp thời hỗ trợ khi có yêu cầu. Việc rà soát, lập danh sách phải đảm bảo chính xác, đúng đối tượng./.
Đào Hằng
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48