Xã hội
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển du lịch ở Lạc Sơn
09:37 AM 11/06/2024
(LĐXH) – Làm gì để vừa đạt được mục tiêu vừa phát huy được tiềm năng của mỗi địa phương góp phần ổn định an ninh – chính trị, phát triển kinh tế - xã hội? Đó là câu hỏi cần lời giải đáp chính xác từ việc định hướng tốt đến triển khai thực hiện hiệu quả… Và chính quyền, người dân huyện Lạc Sơn tỉnh Hoà Bình đang đồng lòng hướng tới phát triển du lịch gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân…
Hồ Khả, đồi Thung một trong những kỳ quan ở huyện Lạc Sơn - Hoà Bình
Từ mục tiêu phát triển du lịch…
Với mục tiêu, tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, sinh thái, cộng đồng có chất lượng. Xây dựng điểm du lịch đạt các tiêu chí là điểm du lịch cấp tỉnh và Quốc gia; Khu du lịch Đồi Thung; Hồ chứa nước Cánh Tạng đạt các tiêu chí của Khu du lịch Quốc gia vào năm 2030… Và ngành “công nghiệp không khói” nơi đây trở thành ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở địa phương.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, các điểm du lịch như: Đồi Thung (xã Quý Hòa); Thác Mu (xã Tự Do); Bãi Bùi (xã Ngọc Lâu,); Không gian văn hóa Mường (xã Yên Phú)… được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác, hạ tầng các tuyến đường giao thông kết nối, nâng cấp, mở mới cùng với tài nguyên du lịch tiếp tục được nghiên cứu, khám phá. Đặc biệt, du lịch cộng đồng (văn hóa), du lịch sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu có những chuyển biến tích cực… sẽ hướng tới kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 15,97%/năm và đến  năm 2025, về cơ sở lưu trú có khoảng 410 buồng, đón khoảng 237.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 5%..., doanh thu đạt 151 tỷ đồng, tạo việc làm trên 1.500 lao động (trong đó 500 lao động trực tiếp, 1.000 lao động gián tiếp).
Thác Mu điểm đến lý tưởng của du khách 
Và đến năm 2030, khi các dự án và các điểm du lịch trên Hồ Cánh Tạng (xã Yên Phú, Văn Nghĩa, Bình Hẻm); Thảo Nguyên xanh (xã Miền Đồi)… chính thức hoàn thiện cùng với tài nguyên được khai thác để phát triển thành các tuyến, điểm du lịch hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, một số hình thức mới được vận hành như: Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái... Thì tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng thêm khoảng 40% so với năm 2025, với cơ sở lưu trú có khoảng 690 buồng, đón 400.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 8%,  tổng thu từ du lịch đạt 380 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.400 lao động (trong đó 800 lao động trực tiếp, 1.600 lao động gián tiếp)
…đến chủ động khai thác tiềm năng
Huyện Lạc Sơn có diện tích đất tự nhiên trên 581 km2, gồm 24 xã, thị trấn với 252 xóm, phố, dân số trên 14 vạn người... Người dân Lạc Sơn có đời sống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, toàn huyện còn lưu giữ trên 18.000/32.128 nhà sàn dân tộc Mường. Đặc biệt, nơi đây cũng là một trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình (dân tộc Mường chiến 90 % dân số) cùng với lịch sử hào hung đã đi vào sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” với câu ví “Nhất Bi, Nhì Vang, Tam Thàng, Tứ Động”…
Địa hình hiểm trở, đồi núi cao là điều kiện thích hợp để các xã vùng cao của huyện như Miền Đồi, Quý Hòa, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tự Do có độ cao từ 500 m - 700 m so với mặt nước biển, có điểm độ cao trên 1.000 m như đỉnh Cốt Ca… rất thích hợp cho phát triển du lịch khám phá, thể thao mạo hiểm. Hay như xã Quý Hòa với khí hậu ôn hòa, lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái… 
Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, Lạc Sơn còn là miền đất lịch sử, văn hóa, gắn với những địa danh nổi tiếng như: Mường Vang, Mường Vó, Mường Khói… Nhiều bản Mường còn giữ nét văn hóa đặc trưng. Trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu như: Chiến khu Mường Khói - xã Ân Nghĩa, đình Khênh - xã Văn Sơn, đình Cổi - xã Vũ Bình, đình Băng - xã Ngọc Lâu, di tích hạt thóc ngàn năm (hang Đá Trại - xã Tân Lập)…
Trên đỉnh đồi Thung với không khí trong lành
Ngoài ra, các ao, hồ, đầm nằm rải rác trên địa bàn huyện cũng là tiềm năng để khai thác phát triển du lịch cũng như những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp như: Mo Mường, Chiêng Mường, nhạc cụ dân tộc, các làn điệu hát Thường rang, bộ mẹng, nhà sàn... Cùng với đó là văn hóa ẩm thực Mường đặc trưng, các nông sản nổi tiếng, như: Gà Lạc Sơn, vịt cổ xanh, ớt Phú Lương, măng chua xã Quý Hòa, hạt dổi xã Chí Đạo… sẽ đem đến cho du khách những ngày tháng lý thú trên đất Lạc Sơn.
Với bề dầy lịch sử trên 135 năm xây dựng và phát triển cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng cộng với nét sinh hoạt văn hóa có từ lâu đời, Lạc Sơn đã trở thành một điểm đến với bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là tiềm năng vô giá để phát triển các loại hình du lịch nếu biết chủ động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc…/.
T.S Lê Hương Giang