Lao động
Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ đoàn thể trong vay vốn ngân hàng chính sách
02:21 PM 04/09/2018
(LĐXH)- Theo Ngân hàng chính sách xã hội TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển, mở rộng về quy mô, tăng trưởng tín dụng, chất lượng hoạt động tiếp tục được nâng cao trong đó hoạt động ủy thác vay vốn giữ một vị trí quan trọng.
Đến 30/6/2018, tổng dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể đạt 6.881 tỷ đồng, chiếm 98% tổng dư nợ của Ngân hàng chính sách xã hội; tăng 1.923 tỷ đồng so với đầu năm, với gần 240 ngàn hộ còn dư nợ tại 7.546 Tổ TK&VV, dư nợ bình quân đạt 28,7 triệu đồng/hộ.
Trong  6 tháng đầu năm, nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể đã cho vay được trên 64 nghìn lượt hộ, trong đó: gần 15 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; trên 23 nghìn lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút gần 30 nghìn lao động; cho vay xây dựng mới và cải tạo trên 37 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn;  giúp cho 1 nghìn lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, hỗ trợ xây mới, sửa chữa và cải tạo 3.200 căn nhà cho hộ nghèo...
Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều người dân khởi nghiệp (Ảnh minh họa)
Phát huy những kết quả đạt được, trong quý III năm 2018, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội và các hội đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác trong việc theo dõi, quản lý, đôn đốc, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; đồng thời tăng c
ường sự chỉ đạo, kiểm tra giám sát của Hội đoàn thể các cấp đối với việc thực hiện tại cơ sở; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chương trình tín dụng, chính sách mới như chương trình cho vay Nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia gửi tiết kiệm qua tổ, tạo ý thức tiết kiệm và nguồn tích lũy để trả nợ khi đến hạn; nâng cao hiệu quả công tác  huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch cấp xã để tạo điều kiện cho nhân dân gửi, rút tiền thuận lợi; đồng thời, bổ sung nguồn vốn cho vay ưu đãi trên địa bàn.
Theo đánh giá, nhu cầu vay vốn từ nguồn ưu đãi là rất lớn (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá, trong những năm qua, TP Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt là từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, sau 3 năm thực hiện, thành phố đã chuyển bổ sung 508 tỷ đồng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố cũng đã có Quyết định số 6335/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 bổ sung 250 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH để hỗ trợ cho vay phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố trong từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm từ 6,09% xuống còn 1,5% và theo chuẩn Trung ương giảm từ 4,97% xuống còn 0,27%; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ 3,64% đầu năm 2016 (đầu giai đoạn) xuống còn 2,37% vào cuối năm 2016./.
PV
Từ khóa: