Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tạo động lực phát triển bền vững đất nước
(LĐXH)- Ngày 06/02/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-TTg về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 21-CT/TW. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sức cạnh tranh quốc gia, tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước.
(ảnh minh họa)
Trên cơ sở Kế hoạch này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, xây dựng, hình thành và phát triển hệ sinh thái truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động truyền thông; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, kênh, sóng phát thanh, truyền hình riêng về giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chương trình truyền thông quốc gia chia sẻ những tấm gương, các mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp thành công trong giáo dục nghề nghiệp; chủ động tham gia, định hướng các mạng xã hội về giáo dục nghề nghiệp bảo đảm thống nhất; hình thành mạng xã hội giáo dục nghề nghiệp mở của Việt Nam.
Tổ chức các chương trình, sự kiện, cuộc thi, giải thưởng, danh hiệu nhằm tôn vinh người học, nhà giáo, người dạy nghề, cán bộ quản lý, người sử dụng lao động, lao động có kỹ năng, các tổ chức có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế của giáo dục nghề nghiệp;
Kế hoạch cũng nhấn mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Giáo dục nghề nghiệp trong nhiệm kỳ 2026 - 2030 và các văn bản pháp luật khác có liên quan; nghiên cứu hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; xây dựng các chính sách đào tạo chất lượng cao.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong trung học phổ thông; phân luồng học sinh sau phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; thực hiện phổ cập nghề cho thanh niên; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút người học thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm, ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, sức khỏe... và các đối tượng chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự do, người lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, thiên tai, dịch bệnh... được tham gia học nghề góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cho người học và người lao động qua đào tạo nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm về quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các bộ, ngành bảo đảm hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục; lựa chọn các ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm phù hợp với từng thời kỳ;
Hình thành hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao gồm các trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng của trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, phù hợp theo từng thời kỳ, làm hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề mới, kỹ năng mới, kỹ năng tương lai, tổ chức đào tạo và nhân rộng các chương trình đào tạo chuyển giao từ các nước phát triển. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, mở rộng mô hình đào tạo nghề chất lượng cao thông qua hệ thống đào tạo của các nước tiên tiến.
Kế hoạch cũng yêu cầu đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và tổ chức quản lý đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp; tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; hướng nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…/.
Hồng Hà
Từ khóa:
-
Học sinh cấp 1 không còn học thêm, trường trông giữ sau giờ
21-02-2025 07:36 48 -
Giáo viên Hà Nội loay hoay sau lệnh cấm dạy thêm
20-02-2025 07:35 24 -
Học sinh chật vật 'tìm sách, tìm thầy' trước kỳ thi đánh giá năng lực 2025
19-02-2025 07:33 41
-
Ký kết hợp tác toàn diện giữa Trường Cao đẳng Quảng Nam và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng
11-02-2025 17:42 46 -
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Tổ chức Tết trồng cây và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Bài Chòi
07-02-2025 11:38 29 -
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Mục tiêu cụ thể, kế hoạch rõ ràng, giải pháp tối ưu… hướng đến sự phát triển bền vững
04-02-2025 10:40 25