Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - việc làm bền vững
(LĐXH) - Ngày 3/10/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam – GIZ tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - việc làm bền vững”.
Tham dự Hội thảo có TS. Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Hằng Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam; TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Britta Van Erckelen, Phó giám đốc dự án Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam cùng trên 100 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương; các viện nghiên cứu khoa học, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia về giáo dục và đào tạo nghề trong nước và quốc tế, các cơ sở GDNN, các trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp....
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mở, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề - tạo việc làm là xu hướng chung của các quốc gia trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hệ thống GDNN mở và linh hoạt có vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao, từng bước đáp ứng được yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Các loại hình đào tạo đa dạng sẽ đáp ứng nhu cầu của người học và khuyến khích họ tiếp nhận những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0 đang thâm nhập sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Hơn nữa việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo sẽ tăng cơ hội học nghề và việc làm cho các nhóm dân số khác nhau, thúc đẩy học tập suốt đời, đặc biệt là những người không có điều kiện sử dụng các cách thức đào tạo truyền thống. Hệ thống GDNN mở, linh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển nguồn nhân lực, gắn GDNN với sự dịch chuyển mau lẹ của thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nhân lực.
Tuy nhiên, nếu không nhận thức đầy đủ và quản lý không hiệu quả thì GDNN mở và linh hoạt sẽ gặp những rủi ro liên quan đến chất lượng đào tạo, khó khăn trong việc được thừa nhận và công nhận văn bằng, chứng chỉ kỹ năng và trong việc tổ chức thực hiện ….. Đây là vấn đề chưa được nghiên cứu thấu đáo, rất cần sự tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo, doanh nghiệp, người lao động....
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung, như: Đánh giá tổng quan về hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt của Việt Nam; Làm rõ khái niệm, đặc điểm và những thách thức khi tiếp cận và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; Phân tích mối quan hệ giữa phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa, các cơ hội việc làm bền vững cho người lao động; Gắn kết đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động; Thông tin, kinh nghiệm của CHLB Đức và quốc tế, bài học vận dụng vào điều kiện Việt Nam; Định hướng cho việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo bà Britta Van Erckelen, Phó giám đốc dự án Chương trình Đổi mới đào tạo nghề của GIZ tại Việt Nam, để hệ thống GDNN mở, năng động, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động,Việt Nam cần phải thực sự xây dựng một cơ chế hợp tác hiệu quả để các cơ sở GDNN có thể cung cấp các khoá đào tạo theo định hướng nhu cầu và sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm tốt trong thị trường lao động. Theo đó, muốn xác định, đo được chất lượng của Hệ thống GDNN, các doanh nghiệp cần phải được tham gia trong mỗi bước: bước xây dựng, kiểm tra, cấp chứng chỉ cũng như thực hiện đào tạo với các giảng viên trình độc cao trong doanh nghiệp.
Còn theo PGS. TS Mạc Văn Tiến, Trường Đại học Mở Hà Nội, qua nghiên cứu kinh nghiệm một số nước, GDNN ở Việt Nam theo hướng mở và liên thông cần trao quyền tự chủ cho các ngành, các địa phương và cho các cơ sở GDNN, từ việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến việc để các cơ sở GDNN tự chủ về quy mô và xây dựng chương trình đào tạo. Nhà nước cũng phải có cơ chế đảm bảo quyền bình đẳng giữa trường công lập và ngoài công lập, kể cả về tài chính, đất đai và chính sách xã hội; đảm bảo quyền bình đẳng của người học giữa các phương thức đào tạo tại chỗ và từ xa, giữa học chính quy với vừa học vừa làm…; đồng thời cần xóa bỏ các rào cản để người học có thể lựa chọn được phương thức học tập thích hợp với điều kiện về sức khỏe, năng lực học tập, tài chính, địa điểm học, thời gian học, học tập trung hay từ xa, học liên tục hay gián đoạn, học toàn bộ chương trình hay chỉ học một số mô đun để hành nghề.
Còn theo TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, để thực hiện hiệu quả kết nối cung cầu lao động, tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - việc làm bền vững cần tăng cường công tác hướng nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của TTLĐ; thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; phối hợp triển khai mô hình đào mở và linh hoạt, gắn kết việc làm với đào tạo nghề.
Kết quả và khuyến nghị của hội thảo sẽ cung cấp những thông tin đầu vào để tham khảo cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, về lao động và việc làm; xây dựng kế hoạch hành động và đề xuất giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và việc làm bên vững tại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm.
Đức Dương
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48