Trong đó, chú trọng đa dạng hoá các hình thức, biện pháp điều trị cai nghiện ma túy theo hướng tự nguyện, giảm dần cai nghiện bắt buộc.
Tính đến tháng 6/2017, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 1.254 người nghiện ma túy, trong đó có 1.115 người nghiện ma túy tại cộng đồng. Mặc dù, Phú Thọ không phải là tỉnh trọng điểm về ma túy, song tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến an ninh và trật tự an toàn xã hội. Ma túy là hiểm họa lớn cho xã hội, gây nguy hại đến sức khỏe, hao tổn tiền bạc, làm suy thoái giống nòi, hạ thấp nhân cách con người, gây tác hại nhiều mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phá hoại hạnh phúc nhiều gia đình, tác động nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Một người nghiện ma túy tiêu tốn trung bình mỗi ngày 300.000 đồng, tương đương mỗi năm ma túy gây ra tổng thiệt hại toàn tỉnh là 130 tỷ đồng. Nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các biện pháp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội. Người nghiện ma túy cần được quản lý, cai nghiện bằng nhiều hình thức: Điều trị nghiện bắt buộc; điều trị nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng; điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Khám sức khỏe cho người nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh
Trong những năm qua, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội và Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy tỉnh đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, chất lượng cai nghiện được nâng lên, làm tốt công tác quản lý người nghiện, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2014 về trước, trung bình hằng năm, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội đã quản lý, điều trị, dạy nghề, lao động trị liệu cho khoảng 500 - 600 lượt học viên, trong đó tiếp nhận mới khoảng 250 - 300 người. Đối với Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy tỉnh đi vào hoạt động từ năm 2012, hằng năm tiếp nhận từ 70 - 80 học viên là người có nguy cơ tái nghiện cao, chuyển tiếp từ Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, số người vào cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm rất hạn chế. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ cần thực hiện đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tăng dần điều trị nghiện tự nguyện, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc với lộ trình phù hợp.
Thực hiện Quyết định 2596 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện một cách nghiêm túc. Tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch, các cơ chế, chính sách cai nghiện ma túy và được triển khai quyết liệt. Sự phối hợp của các sở, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể trong công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện đã được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngay sau khi Đề án Đổi mới công tác cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy tập trung của tỉnh được phê duyệt cuối năm 2016, tỉnh đã chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động tỉnh thành Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ và chuyển đổi Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy tỉnh thành Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Phú Thọ. Bước đầu, thành lập 3 điểm tư vấn, hỗ trợ tại cộng đồng tại thị trấn Sông Thao (huyện Cẩm Khê), huyện Lâm Thao và phường Vân Phú (thành phố Việt Trì). Đồng thời đã tiến hành khảo sát để tiếp tục thành lập mới điểm tư vấn, hỗ trợ tại cộng đồng tại phường Tiên Cát, phường Nông Trang (thành phố Việt Trì); phường Hùng Vương (thị xã Phú Thọ) và thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy). Việc triển khai hoạt động cho các điểm tư vấn đã góp phần giảm sự kỳ thị với người nghiện trong cộng đồng và gia đình họ có nơi để được chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn trong quá trình điều trị nghiện. Cộng đồng bước đầu đã thấy rõ tầm quan trọng của điều trị nghiện ma túy là tự nguyện, là hòa nhập thay cho sự cưỡng ép hoặc bắt buộc cách ly với cộng đồng.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, Cơ sở đã tiếp nhận và cắt cơn an toàn cho 28 lượt học viên, hoàn thiện được phác đồ cai nghiện ma túy đá và đưa ra được kế hoạch điều trị cụ thể cho từng học viên trong giai đoạn cắt cơn. Việc quản lý học viên được thay đổi theo hướng mở, tạo sự thân thiện, gần gũi giữa cán bộ và học viên, giúp học viên ổn định tâm lý, nhanh chóng phục hồi hơn. Đơn vị cũng xác định việc giáo dục và tổ chức học tập cho học viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quy trình cai nghiện. Các học viên tại Cơ sở được chia theo từng tổ đội, tổ chức họp, bình xét đánh giá theo thang điểm hằng tuần, tháng, quý. Đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt thể thao, văn hóa văn nghệ nhằm tạo không khí vui vẻ, thân thiện, gần gũi giữa các học viên với cán bộ trong đơn vị. Qua đó, bước đầu đã tạo được lòng tin của người nhà và học viên vào cai nghiện tại đơn vị.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số người vào cai nghiện tự nguyện tại cơ sở còn hạn chế, nguyên nhân do những vướng mắc bất cập về quy trình, thủ tục lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ và quyết định đưa người vào cai nghiện bắt buộc quy định tại Nghị định số 221/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện chưa đáp ứng yêu cầu. Mặc dù các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn trên khắp địa bàn tỉnh tuy nhiên việc tiếp cập đối tượng nghiện rất khó do tư tưởng của người nghiện không muốn đi cai nghiện, người nghiện nhiều nhưng đi làm ăn xa và không có mặt tại địa phương, gia đình người nghiện không có điều kiện về kinh tế để cho con em họ đi cai nghiện tự nguyện, gia đình và bản thân người nghiện không hợp tác để đưa người nghiện vào Cơ sở cai nghiện tự nguyện. Bởi vậy, dẫn đến tình trạng cán bộ thì đông mà học viên thì ít, gây nhiều lúng túng, vướng mắc trong công tác bố trí cán bộ.
Dự báo về tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát triệt để. Cùng với việc tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống, kiểm soát ma túy thì việc đổi mới công tác cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy tập trung của tỉnh Phú Thọ cần được triển khai đồng bộ các nội dung là: Tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính nhằm tiếp tục áp dụng biện pháp xử lý đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc; đổi mới, thu hút người nghiện vào điều trị nghiện tự nguyện; tổ chức điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone theo lộ trình giảm dần điều trị cai nghiện bắt buộc, tăng điều trị cai nghiện tự nguyện.
Để đạt được mục tiêu đó, cấp ủy các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, qua đó thay đổi về tư duy, nhận thức của người dân để huy động tối đa người nghiện tại cộng đồng tham gia điều trị nghiện ma túy tự nguyện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy và cộng đồng. Cần xem nghiện ma túy như một căn bệnh, người nghiện ma túy có thể điều trị tự nguyện trên cơ sở khuyến khích quyền được khám, chữa bệnh của người dân. Các đơn vị phải có giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên theo hướng thân thiện với người nghiện, coi họ là khách hàng, thay vì kỳ thị, phân biệt đối xử. Cùng với đó phải tổ chức tốt các dịch vụ: y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ theo phác đồ và phù hợp với nhu cầu người bệnh. Đồng thời, tăng cường sự kết nối, liên doanh, liên kết giữa các Cơ sở điều trị nghiện ma túy với các tổ chức xã hội ở địa phương, các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các Trường dạy nghề thuộc tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất, tư vấn giới thiệu việc làm cho người cai nghiện tự nguyện và người điều trị Methadone; vận động các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.
PV
-
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
04-01-2025 16:29 52
-
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
03-01-2025 20:40 19
-
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
03-01-2025 17:05 48
-
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
11-12-2024 18:19 58
-
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
14-12-2024 23:46 28
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
16-12-2024 23:42 17