Lao động
Phú Thọ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn vệ sinh lao động
04:33 PM 26/09/2019
(LĐXH)- Có thể khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở Phú Thọ trong những năm gần đây đã được quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 139.564 lao động (doanh nghiệp Nhà nước 2.382 lao động, doanh nghiệp FDI sử dụng 49.301 lao động, doanh nghiệp ngoài quốc doanh sử dụng 87.881 lao động). Sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Phú Thọ đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật để nâng cao hiểu biết về Luật ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 94-KH/TU về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. UBND tỉnh ban hành Chương trình ATVSLĐ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020; các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, thành lập Hội đồng ATVSLĐ, ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động; xây dựng, ban hành Kế hoạch chỉ đạo, triển khai các hoạt động của tuần lễ ATVSLĐ, tháng hành động về ATVSLĐ và hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ...
Các đơn vị khai thác đá trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã quan tâm hơn đến công tác ATVSLĐ và trang bị bảo hộ cho công nhân
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Phú Thọ, cho biết: Thực hiện văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ hằng năm; ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn về công tác huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổng hợp, báo cáo công tác ATVSLĐ và tình hình tai nạn lao động; thông báo, phân tích nguyên nhân, đánh giá tình hình tai nạn lao động. Trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về công tác ATVSLĐ phù hợp với công việc, địa bàn và đặc thù ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về ATVSLĐ ở Phú Thọ là việc tổ chức các hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm được thực hiện nề nếp, đồng bộ, hiệu quả, không phô trương, hình thức, tạo được sự quan tâm của cả xã hội. Đây là đợt cao điểm triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, thanh tra, kiểm tra... về công tác ATVSLĐ. Kết quả, tính trung bình mỗi năm, các cơ sở, doanh nghiệp ở Phú Thọ tổ chức trên 1.000 cuộc ra quân hưởng ứng Tháng ATVSLĐ tại các cấp từ công trường, phân xưởng đến công ty; 112 cuộc thao diễn kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cấp cứu người bị nạn với chục nghìn lượt người tham dự. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ và thi an toàn vệ sinh viên giỏi với sự tham gia của hàng nghìn lượt người; tổ chức nhiều cuộc hội thảo về công tác ATVSLĐ, treo gần 10.000 băng rôn, banner, áp phích... tuyên truyền ATVSLĐ đến người lao động. Các hoạt động này đã không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác ATVSLĐ mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp tích cực cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; từng bước xây dựng văn hóa về ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động đã bước đầu được triển khai thực hiện thông qua các hoạt động trong Tháng ATVSLĐ với sự tham gia của người lao động trong các doanh nghiệp và người lao động trong khu vực dân cư, làm việc không theo hợp đồng lao động. Việc thực hiện giảm giờ làm việc trong ca đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được các doanh nghiệp thực hiên nghiêm túc. Đối với lao động đặc thù (lao động nữ, lao động là người khuyết tật, lao động là người cao tuổi, lao động chưa thành niên...) cũng được tuyên truyền sâu rộng để các doanh nghiệp sắp xếp, bố trí công việc phù hợp trên cơ sở kết quả khám sức khỏe định kỳ, không bố trí lao động đặc thù làm các công việc mà pháp luật lao động cấm.
Đặc biệt, hoạt động được đánh giá đem lại nhiều hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về Luật ATVSLĐ là việc tổ chức hội nghị đối thoại về ATVSLĐ. Đây thực sự là diễn đàn mở để các bên có liên quan bao gồm các đơn vị quản lý Nhà nước, đại diện người lao động và sử dụng lao động đóng góp và trao đổi ý kiến trong việc thực thi và hoàn thiện pháp luật về ATVSLĐ. Qua đối thoại, cũng là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa cơ quan quản lý với đại diện người sử dụng lao động và người lao động, góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật ATVSLĐ của các đơn vị tham gia.
Để tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATVSLĐ, trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ đổi mới về nội dung, hình thức công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ và tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tạo điều kiện tốt nhất để người lao động được cập nhật những kiến thức về ATVSLĐ, chấp hành các quy định nơi làm việc, từ đó góp phần phòng ngừa tai nạn lao động. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động.

Chí Tâm

Từ khóa: