Lao động
Phú Yên hỗ trợ 7 nhóm lao động tự do theo Nghị quyết 68/NQ-CP
09:11 AM 19/08/2021
(LĐXH)- Ngày 18/8/2021, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 1088/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng áp dụng là lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong khu vực bị phong tỏa, khu vực thực hiện giãn cách xã hội (theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) hoặc phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu, quyết định của người hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, 7 nhóm lao động tự do, gồm: người làm thuê trong các hộ kinh doanh bị dừng hoạt động theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ các thành viên trong hộ kinh doanh; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe ba gác, xe lôi chở hàng; bốc vác, đánh giầy không có địa điểm cố định; người bán lẻ vé số; thợ nề, thợ sơn trong khu vực bị phong tỏa.

Người buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định ở Phú Yên là những đối tượng được nhận hỗ trợ

Về điều kiện hỗ trợ, tỉnh Phú Yên quy định là những người lao động có thu nhập chính từ ngành, nghề thuộc đối tượng quy định trong 7 nhóm trên phải tạm ngừng công việc từ đủ 14 ngày liên tục trở lên; giảm thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện để phòng, chống dịch.
Việc hỗ trợ cho các nhóm lao động tự do phải đảm bảo nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh bỏ sót, trùng lắp đối tượng. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Đối tượng đồng thời đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Quyết định này và chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất.
Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng tối đa không quá 30 ngày (01 tháng) và được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (01 lần/01 người). Việc triển khai hỗ trợ được tính trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Nguồn kinh phí thực hiện, sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có). Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Quyết định này đối với các huyện miền núi (Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh); 60% mức thực chi theo quy định đối với các huyện (Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa); 50% mức thực chi theo quy định đối với thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và thị xã Đông Hòa.
Về trình tự, thủ tục thực hiện, người lao động gửi đơn đề nghị hỗ trợ (theo mẫu) đến UBND xã, phường, thị trấn. Trong 04 ngày làm việc, UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã), lập danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ (theo mẫu), thông qua Hội đồng xét duyệt cấp xã (thành phần của Hội đồng xét duyệt do UBND cấp xã quyết định); đồng thời, niêm yết công khai trong 02 ngày làm việc tại trụ sở UBND cấp xã, cấp thôn. Sau đó, tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện trình UBND cấp huyện thẩm định (thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội).
Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện tổ chức thẩm định theo quy định, trình UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Sau khi nhận đủ hồ sơ, trong 02 ngày làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, danh sách, đối tượng… theo quy định, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.
Sau khi có quyết định hỗ trợ các nhóm đối tượng lao động tự do, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc.

Chí Tâm

Từ khóa: