Quản lý Nhà nước về việc làm tỉnh Bình Dương: Những vấn đề đặt ra
(LĐXH) - Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về việc làm tại tỉnh Bình Dương đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm, việc triển khai thực hiện có nhiều đổi mới, tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, kinh tế và xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tỉnh Bình Dương đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để thu hút đầu tư, đồng thời triển khai hiệu quả việc cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, qua đó đã tạo thêm được nhiều việc làm cho người lao động. Trong giai đoạn 2008-2017, tỉnh đã giải quyết việc làm mới, tăng thêm cho 474.798 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới, việc làm tăng thêm cho hơn 46.000 người lao động, đồng thời đã hạn chế thấp nhất lao động thất nghiệp, tăng tỷ lệ sử dụng quỹ thời gian lao động ở khu vực nông thôn.
Để nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đã được đầu tư hơn 25 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề, tập trung vào việc sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, mua trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của sàn giao dịch việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động, đặc biệt là cung cấp trang thiết bị phục vụ cho thu thập thông tin cung - cầu lao động để phát triển thị trường lao động, kết nối cung – cầu lao động hiệu quả. Do đó, bình quân hàng năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương đã tư vấn cho khoảng 95.000 lượt người lao động, trong đó số lao động được tư vấn về việc làm khoảng 75.000 người, số người được giới thiệu việc làm hơn 50.000 người.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động GDVL với hình thức phong phú, đa dạng. Đến nay, sàn GDVL đã tổ chức 185 phiên GDVL (từ năm 2012 định kỳ mỗi tháng 02 phiên), bình quân mỗi phiên thu hút trên 60 doanh nghiệp tham gia trực tiếp, hơn 200 doanh nghiệp tham gia trực tuyến, khoảng hơn 1.000 người lao động tham gia. Sàn GDVL Bình Dương đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tăng cường khả năng kết nối cung cầu lao động, cung cấp thông tin về nhu cầu của các doanh nghiệp, trường nghề, cơ sở đào tạo đến với người lao động được thường xuyên và thuận lợi hơn; người lao động được cung cấp thông tin tốt hơn, được tư vấn, phỏng vấn, giới thiệu việc làm nhiều hơn. Trong năm 2017, để phù hợp thực tiễn thị trường lao động Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương thực hiện việc thay đổi mô hình tổ chức sàn GDVL theo hướng mở rộng về thời gian, phạm vi và cách thức thực hiện: “Phiên GDVL mini, Sàn GDVL trực tuyến (tư vấn qua các tiện ích trên sàn giao dịch trực tuyến, qua Email, facebook, skype, …), tiếp tục liên kết với các Trung tâm tỉnh bạn qua việc thực hiện sàn GDVL.
Trong giai đoạn 2010 - 2017, đã tiếp nhận 437.465 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn - giới thiệu việc làm 425.755 lượt người, đã duyệt hưởng 433.463 hồ sơ với số tiền 3.640 tỷ đồng, hỗ trợ học nghề 9.071 trường hợp với số tiền 29 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, công tác quản lý Nhà nước về việc làm tỉnh Bình Dương vẫn còn gặp một số khó khăn. Tại Hội thảo Truyền thông về Việc làm đối với các cơ quan báo chí được tổ chức tại Bình Dương ngày 10/5/2018, ông Ngô Xuân Lãm, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động - Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Với lực lượng lao động hơn 81% là lao động nhập cư từ các tỉnh, Bình Dương phải chịu tác động rất lớn khi có một số lượng lao động sẽ di chuyển về quê nhà làm việc, đồng thời việc thu hút nguồn lao động từ các tỉnh về Bình Dương rất khó khăn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện nay vẫn thiếu hụt lao động, tuyển dụng lao động khó khăn do có nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề, nhu cầu số lượng lớn lao động phổ thông trong khi mức lương, điều kiện môi trường làm việc chưa thu hút. Về phía người lao động tốt nghiệp từ các trường nghề hiện nay vẫn còn yếu về ngoại ngữ, khà năng tự học, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm cũng như việc tiếp cận sử dụng, khai thác các trang thiết bị, máy mọc mới còn hạn chế nên khả năng xin được việc làm còn thấp. Việc phân tích, đánh giá công tác dự báo thị trường lao động còn hạn chế. Mặt khác, chi phí đầu tư cho công tác đào tạo là rất lớn, trong khi nguồn thu từ đào tạo hiện còn gặp nhiều khó khăn...
Thiết nghĩ, trong tương lai, dưới sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, các ưu thế của lực lượng lao động trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong tương lai, người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, một số lượng người lao động sẽ mất việc làm. Điều này đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp để hỗ trợ duy trì việc làm, tạo việc làm cho người dân nhằm có thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
N. Khánh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48