Lao động
Quảng Ngãi: Hiệu quả từ chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo từ nguồn vốn vay ngân sách địa phương
03:45 PM 16/08/2016
Vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương trong việc cho vay giải quyết việc làm và hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch, nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2​020.
Kết quả sau 5 năm thực hiện, nguồn vốn ngân sách địa phương cho vay tăng lên đáng kể, từ 19,241 tỷ đồng cuối năm 2010, đến nay lên 62,103 tỷ đồng (tăng 3,2 lần), trong đó tăng chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách tỉnh (từ 16,732 tỷ đồng cuối năm 2010 lên 51,476 tỷ đồng, tăng 3,2 lần, tăng 34,808 tỷ đồng).

 Doanh số cho vay từ năm 2011-31.12.2015: NHCSXH các cấp đã thực hiện cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương với tổng số tiền giải ngân là 76,603 tỷ đồng, cho 3.834 lượt hộ vay vốn, trong đó: cho vay từ Ngân sách tỉnh: 63,374 tỷ đồng, cho 3.168 lượt hộ vay vốn; ngân sách huyện, thành phố 13,229 tỷ đồng cho 666 lượt hộ vay. Tổng dư nợ đến 31/12/2015 đạt 58,667 tỷ đồng, chiếm 2,3%/tổng dư nợ NHCSXH cho vay, với 2.934 hộ còn dư nợ, đạt tỷ lệ 94,5% chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh, huyện giao, trong đó ngân sách tỉnh là 48,241 tỷ đồng/2.414 hộ dư nợ (đạt tỷ lệ 93,7% chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao), ngân sách huyện là 10,426 tỷ đồng/520 hộ dư nợ (đạt tỷ lệ 98,1% chỉ tiêu kế hoạch UBND huyện, thành phố giao). Trong đó, cho vay hộ nghèo: 22,977 tỷ đồng/1.130 hộ dư nợ (đạt 96% kế hoạch UBND tỉnh, huyện giao); cho vay giải quyết việc làm: 34,793 tỷ đồng/1.781 hộ dư nợ (đạt 99,5% kế hoạch UBND tỉnh, huyện giao); cho vay xuất khẩu lao động: 897 triệu đồng/23 hộ dư nợ (đạt 27,9% kế hoạch UBND tỉnh giao).
Các đại biểu tham gia hội thảo
 Cùng với nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn của ngân sách địa phương đã góp phần giúp nhiều hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo được vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện cuộc sống gia đình, thoát được nghèo và tiến lên làm giàu chính đáng, nguồn vốn đã đầu tư vào việc phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình và tạo điều kiện cho nhiều lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.., trong 05 năm, nguồn vốn ngân sách địa phương đã cho vay trên 3.800 lượt hộ, trong đó trên 1.600 lượt hộ nghèo, trên 2.000 lượt hộ vay để giải quyết việc làm và gần 60 lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, 04 năm qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm không được TW bổ sung, vì vậy nguồn vốn Ngân sách tỉnh, huyện chuyển sang cho vay giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho hàng ngàn lao động thiếu vốn trên địa bàn tỉnh có điều kiện vay vốn giải quyết việc làm; từ nguồn vốn này đã góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững và tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua quá trình tổ chức thực hiện cho vay chương trình giải quyết việc làm, đã tạo điều kiện cho nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất, các ngành nghề truyền thống có hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt lao động tại nông thôn, điển hình: Mô hình cho vay phát triển nghề rèn thủ công ở xã Tịnh Minh, cho vay chăn nuôi bò sinh sản xã Tịnh An huyện Sơn Tịnh, mô hình trồng hoa ở xã Nghĩa Mỹ, huyện Sơn Tịnh; mô hình làm báng tra1a, mô hình làm chổi đót xã Hành Thuận huyện Nghĩa Hành, mô hình làm muối trên nền xi măng, mô hình chế biến thủy hải sản của Ông Trần Thanh Trầm tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, mô hình trồng rừng ở các huyện miền núi,...
Nguồn vốn cho vay từ ngân sách địa phương phát huy được hiệu quả, hầu hết hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi, trả nợ đúng quy định, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (0,3%, dưới mức tỷ lệ nợ quá hạn chung các chương trình), nguồn vốn được bảo toàn, phát huy hiệu quả. Hàng năm, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm được NHCSXH thực hiện cho vay hết nguồn vốn chuyển sang (tỷ lệ sử dụng vốn đạt từ trên 99%) không tồn đọng.
Theo báo cáo của các huyện, thành phố, tổng nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm trong giai đoạn 2016-2020 là 480,3 tỷ đồng, bình quân hàng năm là 100,06 tỷ đồng, giải quyết việc làm trung bình cho 6.255 lao động/năm. Tổng vốn ngân sách huyện, thành phố dự kiến ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020 là 35,75 tỷ đồng, trung bình hàng năm là 7,15 tỷ đồng.
Để đảm bảo giải quyết một phần nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm của nhân dân, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn để ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm giai đoạn 2017-2021 từ mức 20 - 27 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc giải quyết việc làm và giảm nghèo. Hy vọng, trong thời gian đến ngân sách tỉnh sẽ tiếp tục bố trí vốn với mức cao hơn giai đoạn vừa qua để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn vay của nhân dân, góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
 PV
Từ khóa: