Xã hội
Quảng Ninh: Giúp người nghèo tự lực vươn lên
09:28 AM 24/08/2016
(LĐXH) - Khơi dậy tính tự lực đối với người nghèo, xã nghèo vươn lên là cách để giảm nghèo bền vững được Quảng Ninh triển khai trong những năm qua. Với phương châm “Cho cần câu hơn cho xâu cá”, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung của cả nước, tỉnh đã lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo... Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho các đối tượng nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng dân tộc thiểu số để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn.
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo được kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển KT-XH trên từng địa bàn dân cư của từng địa phương và toàn tỉnh. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh còn 15.340 hộ, chiếm 4,56%; số hộ cận nghèo còn 10.586, chiếm 3,15%. Trong giai đoạn này, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu giảm 0,7% tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới mỗi năm.
Cán bộ nông nghiệp xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) trao đổi về kỹ thuật trồng rừng,
phát triển kinh tế trang trại cho người dân

Để thực hiện tốt mục tiêu này, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách về giảm nghèo theo phương châm tập trung trợ giúp người nghèo, xã nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó, trên cơ sở đánh giá, phân tích nguyên nhân nghèo để thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng. Đối với các hộ thuộc diện không thể thoát nghèo (gồm những hộ cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau, không có sức lao động), tỉnh thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng với mức trợ cấp bằng mức chuẩn của tỉnh quy định đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo từng thời kỳ. Đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo còn lại, sẽ thực hiện hỗ trợ theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp và tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, có chính sách đối với các hộ thoát nghèo để mua phương tiện, cây, con giống phát triển sản xuất, nhằm khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp, hình thức tuyên truyền hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại, mong muốn thuộc diện hộ nghèo để thụ hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước.
Một trong những chính sách tiếp tục được ưu tiên trong công tác giảm nghèo, đó là tạo điều kiện tối đa cho người nghèo được vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã được triển khai trên tất cả 186 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2015, Ngân hàng Chính sách Xã hội Quảng Ninh đã triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn, trong đó có 8 chương trình liên quan trực tiếp đến giảm nghèo với tổng số tiền cho vay đạt gần 2.400 tỷ đồng, cho trên 118.000 lượt khách hàng vay vốn. Riêng mức vay đối với hộ nghèo đã được nâng từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng. Đây là yếu tố quan trọng để xoá đói, giảm nghèo nhanh, bền vững trong nhân dân. Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Khe Ốn, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ), chia sẻ: “Ở địa phương chúng tôi, người dân sống dựa vào rừng, nên để làm giàu không gì bằng tập trung nâng cao giá trị sản xuất từ rừng. Những năm qua, bên cạnh được giao đất, giao rừng, người dân thôn Khe Ốn cũng được Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Như gia đình tôi, mấy năm nay đã trồng được 10ha keo, giờ lại tham gia thêm mô hình trồng cây ba kích tím, nuôi thêm nhiều lợn, gà, nhờ đó, kinh tế gia đình đã khá hơn trước rất nhiều”.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư phát triển sản xuất cho các hộ mới thoát nghèo; biểu dương khuyến khích các hộ vươn lên thoát nghèo. Điển hình như huyện Ba Chẽ và Đầm Hà đã có Nghị quyết của HĐND huyện về việc khuyến khích hộ thoát nghèo trên địa bàn. Cả hai huyện đã có cơ chế động viên, khuyến khích các hộ thoát nghèo, cụ thể đối với những hộ mới thoát nghèo năm đầu tiên được biểu dương với mức 500.000 đồng/hộ, năm thứ 2 không tái nghèo được động viên mức 300.000 đồng/hộ. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Cảnh Minh
Từ khóa: