Lao động
Quảng Ninh: Tai nạn lao động có chiều hướng giảm
07:32 AM 21/02/2024
(LĐXH) - Năm 2023, trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra tổng số 590 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 599 người bị nạn, trong đó: số vụ TNLĐ chết người là 18 vụ, số người chết là 25 người; số người bị thương nặng là 361 người; số người bị thương nhẹ là 213 người.
Chi phí thiệt hại do TNLĐ là 48.905 triệu đồng, trong đó: chi phí y tế hơn 11,5 tỷ đồng; trả lương trong thời gian điều trị gần 13,3 tỷ đồng; bồi thường, trợ cấp cho người bị nạn, thân nhân của người bị nạn là 24 tỷ đồng; thiệt hại tài sản gần 1,4 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 50.869 ngày.
Năm 2023, tình hình TNLĐ trên địa bàn tỉnh giảm so với năm 2022 và giảm nhiều so với những năm trước đây. So với năm 2022, tổng số vụ TNLĐ giảm 29 vụ (giảm 4,7%), tổng số nạn nhân giảm 33 người (giảm 5,2%); số vụ TNLĐ chết người giảm 06 vụ (giảm 25%), số người chết bằng nhau.
Về tình hình TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo số liệu báo cáo, thống kê, điều tra TNLĐ năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong khu vực không có hợp đồng lao động xảy ra 09 vụ TNLĐ làm chết 11 người; so với năm 2022 giảm 04 vụ, số người chết giảm 02 người.
Nguyên nhân của các vụ TNLĐ chết người được xác định do các nguyên nhân của người lao động chiếm 80% tổng số vụ; công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo, thiếu sâu sát; chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời, chiếm 93% số vụ; người sử dụng lao động xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn chưa đảm bảo, chiếm 27% số vụ; công tác kiểm tra giám sát, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công, biện pháp an toàn cho người lao động còn hạn chế, chưa hiệu quả, chiếm 100% số vụ; nguyên nhân khách quan như đặc thù Quảng Ninh tỉnh có nhiều ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động… chiếm 16% số vụ.
Các doanh nghiệp ngành Than chú trọng đầu tư thiết bị giúp khai thác than an toàn, hiệu quả
Công tác khai báo, điều tra, xử lý vi phạm. Trong năm 2023, tất cả các vụ TNLĐ chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức điều tra kịp thời, chính xác, khách quan và đã giúp cơ sở nhanh chóng ổn định sản xuất, ổn định tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên chức, sớm chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong các vụ TNLĐ để làm cơ sở cho việc xử lý, rút kinh nghiệm đối với chủ doanh nghiệp và người lao động.
Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 136 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra TNLĐ xử lý kỷ luật 91 người, trong đó người sử dụng lao động, cán bộ quản lý là 83 người, chiếm 91%, công nhân lao động là 8 người, chiếm 9%; cụ thể theo chức danh như sau: Giám đốc, phó giám đốc: 07 người; Trưởng, phó phòng ban: 16 người; Cán bộ phòng ban: 17 người; Chánh, phó Quản đốc: 31 người; lò trưởng, tổ trưởng: 12 người; công nhân lao động: 08 người. Sau khi kết luận các vụ TNLĐ các đơn vị đều tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị của Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh, đồng thời họp xét kỷ luật những người có khuyết điểm với hình thức: khiển trách 35 người, kéo dài thời hạn nâng lương 08 người, cách chức 02 người.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện công tác quản lý về ATVSLĐ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, ATVSLĐ; thanh tra, kiểm tra đột xuất hiện trường sản xuất đối với ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ - bệnh nghề nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đình chỉ, tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện ATVSLĐ.
Các sở, ngành có liên quan, UBND các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng; chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu, tổ đội thi công xây dựng nhà dân tham gia xây dựng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn theo quy định pháp luật.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động: Tổ chức đánh giá, công bố tình hình TNLĐ xảy ra tại cơ sở, niêm yết công khai tại các tổ, đội, phòng ban, công trường, phân xưởng cho người lao động biết; rút kinh nghiệm sâu sắc nguyên nhân các vụ TNLĐ đã xảy ra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để có biện pháp chỉ đạo phòng ngừa TNLĐ tương tự, lặp lại; kiểm điểm nghiêm túc, xử lý nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân vi phạm về ATVSLĐ. Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ, huấn luyện biện pháp thi công, biện pháp an toàn, huấn luyện phương án ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý các cấp và người lao động; nâng cao ý thức, nhận thức, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ để người lao động hiểu và nắm rõ các tình huống sự cố có thể xảy ra trong quá trình làm việc, phòng tránh TNLĐ.
Riêng đối với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về chấn chỉnh công tác đảm bảo ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất kinh doanh than trên địa bàn tỉnh; văn bản số 592/LĐTBXH[1]TTr ngày 28/02/2022 của Sở Lao động - TB&XH về việc chấn chỉnh công tác ATVSLĐ trong khai thác than; văn bản số 2178/LĐTBXH-TTr ngày 03/8/2023 của Sở Lao động - TB&XH chấn chỉnh công tác an toàn lao động trong các Dự án đào lò và khai thác than; văn bản số 3310/LĐTBXH-TTr ngày 13/11/2023 của Giám đốc Sở Lao động - TB&XH về việc tăng cường công tác quản lý, tuân thủ pháp luật ATVSLĐ. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình phải nghiêm túc thực hiện công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định./.
Hưng Minh
Từ khóa: